Thông qua hội nghị này, nước chủ nhà muốn hợp tác với các quốc gia khác cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và chấm dứt sự thống trị của đồng USD.
Cùng với hội nghị, hệ thống thanh toán mới "BRICS Pay" cũng thu hút nhiều quan tâm. Trang web chính thức của BRICS Pay cho biết đây là hệ thống nhắn tin thanh toán độc lập, phi tập trung đang được các quốc gia thành viên BRICS phát triển.
Hệ thống được mô tả là "nền tảng tiềm năng dành cho các khoản thanh toán từ các quốc gia có chủ quyền và thịnh vượng".
Giới chuyên gia cho biết sáng kiến sẽ cung cấp cho các nước BRICS nhiều lựa chọn hơn trong việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ, qua đó củng cố thêm quan hệ kinh tế. Ngoài ra, cách tiếp cận này có thể giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD, thúc đẩy đa dạng hóa tài chính và củng cố tính tự chủ kinh tế giữa các thành viên BRICS.
Đài RT dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới mới sẽ dựa trên các công nghệ tiên tiến, cho phép giao dịch thương mại quốc tế diễn ra nhanh và rẻ hơn mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ông Yaroslav Lissovolik, người sáng lập Tổ chức tư vấn BRICS+ Analytics (Nga), nhận định việc tạo ra một hệ thống như vậy về mặt kỹ thuật là khả thi nhưng sẽ tốn thời gian.
Ông cũng lưu ý rằng sau khi số lượng thành viên BRICS tăng lên đáng kể vào năm ngoái, việc đạt được sự đồng thuận có thể trở nên khó khăn hơn.
Sau khi được mở rộng, BRICS hiện gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18-10 cho biết hiện có khoảng 30 quốc gia bày tỏ sự quan tâm muốn hợp tác với nhóm này dưới một hình thức nào đó.
Nhà lãnh đạo này cũng nhận định BRICS sẽ tạo ra phần lớn tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so với các quốc gia phát triển phương Tây.
Bình luận (0)