Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", giúp các em có thêm ý chí và niềm tin sống tốt, xây dựng ước mơ tươi đẹp trong tương lai; đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân trong lòng nhân dân.
Các chú công an đi chợ, nấu cơm
Huyện Sơn Tây là một huyện miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, đa số người dân sống trên địa bàn là người dân tộc thiểu số. Do điều kiện địa lý cách trở, đường sá xuống cấp nên hầu hết các em học sinh đi học đều ở lại trường vào buổi trưa mà lại không có những bữa ăn bán trú đầy đủ như những nơi khác.
Được đến trường với các em đó là điều may mắn và nếu có đồ ăn trưa mang đi thì cũng chỉ là ít cơm trắng và măng hay rau rừng. Chứng kiến những bữa trưa thiếu thốn, tạm bợ của các em học sinh, các cán bộ Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây đã xây dựng mô hình "Bữa trưa cho em".
Tôi theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây khi những chú gà rừng cất lên những tiếng gáy đầu tiên của buổi sáng, mặt trời vừa nhô lên khỏi những rặng núi. Tất cả đã trang phục chỉnh tề cùng nhau đi đến chợ trung tâm huyện, mỗi người mỗi việc theo sự phân công từ trước, mua những nguyên liệu cần thiết, tươi ngon nhất để chuẩn bị bữa trưa cho các em học sinh tại Trường Mầm non xã Sơn Màu. Đây là hoạt động định kỳ mỗi tháng một lần trong mô hình "Bữa trưa cho em".
Nhìn các em học sinh háo hức khi được ăn bữa cơm trưa với đầy đủ các món như: canh, rau, cá, thịt, trứng do chính tay các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây nấu, trong lòng tôi cảm thấy vui. Bữa cơm không chỉ cải thiện bữa ăn cho các em mà còn tiếp thêm niềm vui, động lực cho các em học sinh vùng cao đến trường.
1 năm, hơn 1.000 suất ăn trưa
Lấy tay quệt những giọt mồ hôi trên trán sau khi chuẩn bị bữa trưa, anh Nguyễn Tấn Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây, cho biết: "Xuất phát từ những trăn trở sau những chuyến công tác về cơ sở, chứng kiến những bữa ăn tạm bợ của các em học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện, tôi đã nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình bữa trưa cho em, nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn nuôi tiếp ước mơ con chữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho các em một bữa ăn ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng".
Mô hình đã ra đời như thế, nghĩ đơn giản nhưng nhiều đêm thức đến 2-3 giờ sáng để viết kế hoạch, đưa ra phương án, cái khó nhất là vấn đề kinh phí, vì vậy anh phải kêu gọi đoàn viên thanh niên trong đơn vị đóng góp kinh phí hằng tháng, đồng thời Đoàn Thanh niên triển khai các chương trình như: "bán nước ngọt tại căng-tin cơ quan gây quỹ"; "ngôi nhà rác thải nhựa" từ đó mới có kinh phí để thực hiện. Với sự chuẩn bị kỹ càng như vậy nên khi tham mưu với Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện về việc thực hiện mô hình "Bữa trưa cho em" đã được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị thống nhất thực hiện.
Qua hơn một năm triển khai, Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây đã tổ chức được 20 lượt, nấu tổng cộng 1.045 suất ăn trưa cho các em với số tiền hơn 30 triệu đồng. Mô hình đã nhận được sự đánh giá cao từ giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện.
Cô Đặng Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sơn Màu, chia sẻ: "Mô hình "Bữa trưa cho em" do Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây tổ chức rất có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần hỗ trợ các em vơi đi những khó khăn trong cuộc sống, từ đó có niềm vui đến trường. Tôi hy vọng mô hình luôn được duy trì và có nhiều nhà hảo tâm trên cả nước đồng hành, tiếp sức Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây để mô hình phát triển mạnh hơn trong thời gian tới".
Phấn đấu thực hiện tốt hơn
Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện "Bữa trưa cho em", thượng úy Phạm Văn Bảo, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây, cho biết: "Vì là vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn, hầu như các điểm trường không có bếp ăn tập thể,. Vì thế, mỗi khi thực hiện, các cán bộ chiến sĩ đều phải chế biến tại đơn vị sau đó mang đến các điểm trường nấu nóng lại, đồng thời cũng phải chuẩn bị chén đĩa cho các em ăn trưa. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhìn các em được ăn ngon là động lực để chúng tôi càng cố gắng phấn đấu thực hiện tốt hơn".
Còn theo anh Nguyễn Tấn Vũ: "Mong muốn lớn nhất của tôi là mô hình ngày càng phát triển mạnh, có nhiều nhà hảo tâm biết đến và đồng hành để các em nhỏ có nhiều bữa cơm ngon hơn chứ không phải một tháng một lần như hiện tại. Đồng thời mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn quốc để tất cả các em học sinh ở những địa phương khó khăn khác đều có được những bữa cơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp các em có thêm ý chí và niềm tin sống tốt, xây dựng ước mơ tươi đẹp trong tương lai".
Đến với vùng cao Quảng Ngãi, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, khó nghèo của người dân, của các em học sinh đến trường đường xa, cơm ăn chưa no, áo chưa đủ ấm. Nhìn các em hồn nhiên trên đường đến lớp, chăm chú học tập và vui chơi ngoan ngoãn, lòng những người lớn như chùng lại. Được đi học là niềm vui, học lên cao hơn thì sau này các em bước vào đời bớt khổ.
Chăm lo cho các em dù chỉ một bữa cơm ngon trong tháng như Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây thực hiện, dù giá trị vật chất không nhiều, song tấm lòng dành cho các em thơ là lớn lao, đáng quý. Biết nghĩ đến và quyết tâm thực hiện với tất cả tấm lòng, chừng đó cũng đáng để thêm yêu mến các chú công an của huyện vùng cao Quảng Ngãi.
Tại các điểm trường, nhìn các em nhỏ háo hức trông chờ bữa cơm của các chú công an và các chú cũng rộn ràng niềm vui khi đến ngày tới với các em, không chỉ là một bữa ăn mà còn là bao yêu thương tình cảm của những người chiến sĩ Công an nhân dân dành cho các em.
Bên cạnh đó, mô hình còn phát huy được vai trò của của lực lượng đoàn viên thanh niên trong việc chăm lo sức khỏe, giáo dục, rèn luyện cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống; nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sĩ hình thành thói quen giúp đỡ, hỗ trợ thương yêu các trường hợp khó khăn. Đây cũng là một hình thức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái".
Vì nước, vì dân
Chia tay các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây, trên đường quay về lại đồng bằng, hình ảnh các em học sinh quấn quýt, cười đùa bên những người chiến sĩ công an làm tôi xúc động. Có lẽ các anh không những mang trên mình sứ mệnh bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bình yên cuộc sống mà các anh còn có sứ mệnh lớn lao là chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Đối với các anh, niềm vui, hạnh phúc của nhân dân cũng chính là nguồn động lực, là niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Việc làm của các anh đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với danh dự và truyền thống của Công an Nhân dân Việt Nam.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)