Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch từ năm 2007, dài hơn 64 km. Hiện TP HCM còn 4 đoạn, tương ứng 14 km chưa khép kín, gồm 3 đoạn qua TP Thủ Đức.
Gỡ vướng cho 2,7 km
Trong số này, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) dài 2,7 km với vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng. Đoạn này được thi công từ năm 2017, đến năm 2020 thì tạm ngưng.
Ghi nhận khu vực công trường dự án những ngày cuối năm 2024 cho thấy khung cảnh im lìm, cỏ mọc um tùm. Hàng loạt trụ cầu, mố cầu, sàn giảm tải dưới rạch Lùng dang dở từ nhiều năm trước nổi lên màu cũ kỹ của thời gian.
Ban Giao thông cho hay việc chậm giải quyết vướng mắc của dự án gây lãng phí về thời gian, phát sinh do trượt giá, không kết nối giao thông để phát triển kinh tế và làm phát sinh lãi thực hiện dự án BT. Thành phố đang chờ ý kiến từ Trung ương liên quan việc quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Nhiều khu vực bỏ trống lâu ngày khiến cỏ phủ, trở thành nơi đổ xà bần hoặc hình thành con đường nhỏ cho người dân đi tắt qua. Khu trại của đơn vị thi công gần đó cũng nằm trơ trọi, vật tư ngổn ngang, máy móc phơi mưa nắng...
Tại khu vực Gò Dưa, hình ảnh cũng tương tự với 2 cây cầu xây dựng dở dang, sắt thép hoen gỉ và là nơi người dân chăn thả bò.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho hay đoạn trên tạm ngưng thi công từ tháng 3-2020 đến nay. Lý do là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng của TP Thủ Đức còn một số vị trí chưa bàn giao và nhà đầu tư chờ ký phụ lục hợp đồng về thay đổi cơ cấu giá trị xây lắp. Hiện nay, nhóm công tác liên ngành của thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về điều chỉnh dự án cũng như đàm phán phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất.
Nhiều lợi ích thấy rõ
Trong lúc chờ đợi tháo gỡ vướng mắc cho đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa, TP Thủ Đức tập trung đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,6 km) và đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,5 km) nhằm bảo đảm bàn giao cho chủ đầu tư vào ngày 30-6 để thi công dự án. Tổng mức đầu tư của 2 đoạn này là khoảng 13.800 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỉ đồng.
Ngày cuối năm 2024, UBND TP Thủ Đức tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhiều hộ dân có nhà, đất bị thu hồi. Bà Nguyễn Thị Kim Loan (phường Linh Đông, có đất bị giải tỏa trắng) chia sẻ cảm giác phấn khởi khi nhận tiền bồi thường.
Người phụ nữ này dù còn trăn trở vì phải rời xa nơi ở lâu năm của gia đình nhưng tin tưởng rằng với sự quan tâm của chính quyền thành phố và địa phương thì người dân được tạo điều kiện thuận lợi để có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn. Bà Loan mong dự án hoàn thành đúng tiến độ, mang lại bộ mặt đô thị tươi mới, tăng tính kết nối giao thông để từ đó thành phố thêm phát triển và người dân hưởng lợi.
"Người dân đã chờ đợi lâu với nhận thức đây là chủ trương lớn của thành phố, không chỉ phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội, chỉnh trang bộ mặt đô thị mà còn là lợi ích chung của cộng đồng nên rất đồng thuận" - bà Loan bày tỏ.
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, thông tin trong ngày 31-12-2024, 50 hộ dân được làm thủ tục chi trả với hơn 200 tỉ đồng. Ông Dũng cho hay TP Thủ Đức chi trả đợt 1 từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, dự kiến từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng trong tổng số 7.500 tỉ đồng bồi thường của dự án đoạn 1 và 2. Người dân nhận bồi thường trước, đến qua Tết Nguyên đán thì việc thu hồi đất mới triển khai.
Triển vọng tươi sáng
Liên quan việc giải phóng mặt bằng, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết một số trường hợp người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường do xác định vị trí hẻm sâu. Thực tế, có trường hợp đầu hẻm rộng dưới 5 m nhưng phía sau lại rộng 6-7 m. Theo quy định thì người dân phía trong phải tính vị trí 3, giá thấp.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi, TP Thủ Đức đã xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trương xác định giá đặc thù chứ không tính theo vị trí. "Vừa rồi Thủ Đức cũng xin được chủ trương để có giá bồi thường thuận lợi nhất cho người dân" - ông Quyết cho hay.
Về giải phóng mặt bằng đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, ông Quyết cho biết vì nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn nên cũng chậm trễ tiền bồi thường. Vừa qua, nhà đầu tư đã chuyển hơn 100 tỉ đồng để tiếp tục chi trả. Hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố tập trung giải quyết vướng mắc, có cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư. Trong đó, thành phố cũng kiến nghị lên Thủ tướng để triển khai thủ tục liên quan tới tài chính của dự án.
TP Thủ Đức chủ động kiểm tra hồ sơ bồi thường hằng tuần, qua Tết tiếp tục rà soát trường hợp đồng thuận và đề nghị nhà đầu tư chi thêm tiền để chi trả. Một số trường hợp liên quan kết luận thanh tra cũng đã có kiến nghị xử lý.
"Nhà đầu tư được Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc thì sẽ thông suốt, qua Tết tập trung triển khai. Chúng tôi chủ động, đặt mục tiêu tháng 6 hoàn thành mặt bằng đoạn 1, đoạn 2, thi công hoàn thành dự án năm 2026. Song song đó, dứt điểm mặt bằng ở đoạn 3 để đồng bộ, sớm khép kín Vành đai 2" - ông Quyết nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, hơn 80% của đoạn trên đã được bàn giao.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1
Mốc quan trọng tháng 2-2025
Ông Mai Hữu Quyết khẳng định Vành đai 2 đây là dự án đặc biệt quan trọng, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế TP Thủ Đức lên tầm cao mới. Việc chi trả tiền cho người dân trong đợt này là thực hiện cam kết của UBND TP Thủ Đức khi bắt đầu triển khai công tác khép kín Vành đai 2.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, tháng 7-2024, dự án được phê duyệt. Trong thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị TP Thủ Đức làm việc ngày đêm với hồ sơ bồi thường, bảo đảm chặt chẽ pháp lý cho hơn 1.100 trường hợp.
Ông bày tỏ cảm ơn người dân gần 20 năm qua đã chịu thiệt thòi và hy sinh vì sự phát triển chung của TP Thủ Đức cũng như TP HCM. Đến cuối tháng 2 này, thành phố sẽ bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Người dân bàn giao mặt bằng sớm và đủ điều kiện sẽ được ưu tiên lựa chọn nền tái định cư phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng.
Bình luận (0)