Đường Vành đai 3 TP HCM đang có bước nhảy tốt về tiến độ khi các bên liên quan bảo đảm thực hiện đúng hoặc vượt cam kết thi đua.
Với chiều dài hơn 90 km, tổng vốn đầu tư trên 75.000 tỉ đồng, đường Vành đai 3 TP HCM đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Dự án giúp tăng cường kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các mốc thời gian quan trọng
TP HCM với 47 km đường Vành đai 3 đi qua đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng. Ghi nhận cho thấy trong 10 gói thầu xây lắp chính thì 4 gói khởi công năm 2023, còn lại triển khai trong năm 2024. Đến nay, toàn bộ 10 gói thầu được ráo riết thi công và các hạng mục kết cấu cầu cạn, xử lý nền đất yếu… được tập trung xử lý.
Để đưa công trình về đích nhanh hơn, Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) phát động đợt thi đua 365 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ. Sự kiện cũng nhằm hưởng ứng đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động và Kế hoạch 7308/2024 của UBND TP HCM về tổ chức triển khai đợt thi đua quyết tâm hoàn thành dự án đường Vành đai 3 TP HCM vào tháng 6-2026.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Giao thông, thông tin cao điểm thi đua sẽ kéo dài từ ngày 1-1 đến 31-12.
Các nhà thầu, tư vấn giám sát ký giao ước đoàn kết, sáng tạo, vượt khó thi công "3 ca, 4 kíp", bất chấp khó khăn, "vượt nắng, thắng mưa" để đạt các mốc quan trọng. Trong đó, ngày 30-4 hoàn thành một số hạng mục gói thầu XL1, kết nối đồng bộ với cầu Nhơn Trạch và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngày 31-12, thông xe kỹ thuật 14,7 km đoạn qua TP Thủ Đức. Phần còn lại trên địa bàn 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh dài 32,6 km được thông xe kỹ thuật cuối tháng 4-2026 để thông xe toàn tuyến Vành đai 3 vào ngày 30-6-2026.
"Chúng tôi tính toán phát sinh cho đơn vị để tăng cường nhân lực, vật lực. Tập trung toàn lực nhằm bảo đảm tiến độ cam kết và theo giao ước thi đua này" - ông Hùng cho hay.
Nhanh hơn nữa
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án là trục giao thông chiến lược kết nối liên vùng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đặt kỳ vọng cao hơn. Ông đề nghị thay vì thông xe kỹ thuật đoạn gần 15 km qua TP Thủ Đức vào ngày 31-12 thì đây nên là thời điểm khai thác đoạn tuyến này. Từ đó, sớm giảm áp lực giao thông cho khu Đông thành phố cũng như góp phần vào mục tiêu quốc gia là năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km đường cao tốc.
Riêng khu vực gần nút giao tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, dịp 30-4 phải hoàn thành mọi hạng mục liên quan để kết nối đồng bộ với dự án cầu Nhơn Trạch.
Để hiện thực hóa yêu cầu trên, ông Bùi Xuân Cường lưu ý vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó, tiến độ giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99,8% và cần dứt điểm trong tháng 1 này.
Bên cạnh đó, phải chú ý tránh phát sinh về vật liệu cát san lấp mà thời gian qua đã được tháo gỡ.
Tại lễ phát động thi đua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thường xuyên đi công trường. Mỗi lần đi là cảm nhận sự thay đổi khi hình hài dự án rõ rệt hơn.
Ông Bùi Xuân Cường giao tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chủ đầu tư làm việc với nhiều nơi - trong đó có Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre - để đưa cát nhiều hơn nữa về công trường. Ngoài ra, cần lưu ý vật liệu đá thi công trước nhu cầu đồng loạt từ nhiều dự án hiện nay.
"Theo hợp đồng, nhà thầu phải chủ động nhưng ở góc độ cơ quan chủ quản, thành phố tiếp tục có chỉ đạo, hỗ trợ, cần thiết thì báo cáo bộ, ngành Trung ương, làm việc với chính quyền các địa phương có mỏ đá… Tập trung để bảo đảm vật liệu đá cho đường Vành đai 3, không để ảnh hưởng tiến độ, không tái diễn tình trạng thiếu cát san lấp" - ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Xuân Cường, năm 2025 có nhiều ngày lễ kỷ niệm quan trọng, đặt ra yêu cầu cao trong quá trình phát triển thành phố, đất nước; thành phố được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 84.000 tỉ đồng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 10%. Vì thế, ngay từ đầu năm 2025 phải bắt tay làm nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần thi đua, nhất là tăng tốc nhiều dự án.
Hóa giải vấn đề mặt bằng, vật liệu
Về phía nhà thầu, tất cả đều tỏ rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ông Phạm Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên (thành viên liên danh nhà thầu gói thầu XL3), khẳng định tổ chức làm xuyên lễ, xuyên Tết vì mục tiêu dự án đề ra.
Cũng theo ông Thắng, công tác vận chuyển cát đến TP Thủ Đức hơi phức tạp cộng với việc cả nước đang đồng loạt làm dự án dẫn tới mất cân bằng vật liệu nên nhà thầu có chút áp lực.
"Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị phương án tối ưu để đáp ứng tiến độ. Chi phí vật liệu dù tăng, chúng tôi cố gắng vượt qua để đáp ứng hợp đồng đã ký với chủ đầu tư" - ông Thắng nhấn mạnh, đồng thời cho hay trên gói thầu của đơn vị còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng nên mong Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức giải quyết dứt điểm để có thể thi công đúng tiến độ.
Về vấn đề mặt bằng, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, xác nhận còn 4 hộ dân thuộc đất dự án của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, doanh nghiệp bồi thường và bàn giao mặt bằng cho TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, đến nay 4 hộ chưa đồng thuận giá bồi thường. Vừa qua, một số khiếu nại của người dân đã được xử lý. Do đó, qua Tết Nguyên đán, TP Thủ Đức sẽ vào cuộc để giải quyết, sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án đúng tiến độ.
Ngoài ra, 1 hồ sơ trên địa bàn phường Long Bình đang chờ cơ quan chức năng hướng dẫn nộp tiền phần ngoài hạn mức, do trước đây hóa giá nhà chưa tính phần ngoài hạn mức này. Theo ông Quyết, trước đây người dân mua nhà đất hơn 900 m2, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì xác định chỉ bán giá nhà nước theo hạn mức, còn lại bán theo giá thị trường.
Vì vậy, phần đất ngoài hạn mức thì xác định theo giá thị trường. "TP Thủ Đức cũng vận động, thuyết phục họ bàn giao đất trước nhưng trong gia đình có nhiều hộ nên muốn nhận tiền xong mới bàn giao. Trường hợp này pháp lý phức tạp và thẩm quyền thuộc TP HCM. Hiện đang thuê tư vấn xác định lại giá thị trường lúc đó" - ông Quyết nói.
Phối hợp tốt
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết trong năm 2024, TP HCM làm việc với 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để hoàn thành thủ tục cấp phép và khai thác một số mỏ cát cung cấp cho đường Vành đai 3 trên tổng số 13 mỏ những địa phương trên cam kết.
Về cung ứng vật liệu cát san lấp, đá cấp phối trong năm 2025, theo Giám đốc Ban Giao thông, TP HCM tiếp tục làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để hoàn thành thủ tục cấp phép và khai thác 13 mỏ mà các tỉnh đã cam kết, trong đó Vĩnh Long 3/3 mỏ, Tiền Giang 7/7 mỏ và Bến Tre 3/3 mỏ. Đồng thời, kiến nghị các tỉnh nâng công suất mỏ và bổ sung mỏ để đáp ứng nhu cầu dự án.
Ông Lương Minh Phúc cũng khẳng định khẩn trương phối hợp, làm việc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để chuẩn bị nguồn cấp phối đá dăm móng đường.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)