Và, hành trình xin giấy phép xây dựng (GPXD) là một trải nghiệm không hề dễ dàng. Tôi phải chuẩn bị bộ hồ sơ với nhiều loại giấy tờ phức tạp: đơn đề nghị cấp GPXD; giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; bản vẽ thiết kế xây dựng; cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề; các giấy tờ liên quan đến thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm tra thiết kế…
Sau đó, hồ sơ phải nộp tại cấp quận, rồi chờ cơ quan chức năng tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định thực địa. Mỗi bước đều mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. Cảm giác bị "hành" bởi thủ tục hành chính khiến tôi không khỏi mệt mỏi và lo lắng, vì mọi việc đều bị trì hoãn.
Đây là câu chuyện chung của nhiều người dân khi xin GPXD!
Từ ngày 3-7-2025, TP HCM chính thức áp dụng chính sách miễn GPXD đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng tại các khu vực có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt. Đây là một quyết sách mạnh mẽ, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong cải cách hành chính và quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện hơn với người dân.
Thay vì gò bó trong quy trình cấp phép phức tạp, người dân chỉ cần gửi thông báo khởi công kèm bản thiết kế và giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là có thể tiến hành xây dựng. So với thủ tục trước đây, chính sách mới giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc - một lợi ích thiết thực cho người dân.
Quan trọng hơn, chính sách này không chỉ tháo gỡ "nút thắt" hành chính mà còn là tín hiệu cho thấy sự thay đổi tư duy quản lý - chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Thay vì can thiệp quá sớm bằng cấp phép, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra thực tế, xử lý vi phạm trong quá trình thi công và sau hoàn công. Đây là hướng đi phù hợp với nguyên tắc minh bạch, giảm tiếp xúc hành chính - mảnh đất tiềm ẩn tiêu cực - và đề cao trách nhiệm thực chất của các bên tham gia xây dựng.
Tuy nhiên, chính sách tiến bộ này cũng đặt ra không ít thách thức. Việc miễn giấy phép không có nghĩa là "xây gì cũng được". Khi tiền kiểm được nới lỏng, hậu kiểm buộc phải siết chặt. Nếu lực lượng thực thi không đủ mạnh, nguy cơ các công trình xây dựng sai phép, vượt tầng, lấn chiếm đất công, phá vỡ quy hoạch sẽ tăng lên. Trật tự xây dựng có thể bị đe dọa, thay vì được cải thiện.
Mặt khác, chủ trương chỉ khả thi nếu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt được phủ kín. Đây lại là điểm nghẽn không dễ tháo, bởi việc lập và phê duyệt quy hoạch vốn rất phức tạp, cần thời gian và nguồn lực lớn. Nếu quy hoạch chưa kịp cập nhật mà đã áp dụng miễn phép, hệ quả sẽ là tình trạng "mạnh ai nấy xây", phá vỡ cảnh quan, tạo tiền lệ xấu cho các địa phương khác.
Để hạn chế những nguy cơ đã nêu, TP HCM cần hành động song song trên nhiều mặt: đẩy nhanh việc phủ kín quy hoạch chi tiết và cập nhật kịp thời; tăng cường lực lượng thực thi công vụ ở cấp cơ sở; ứng dụng công nghệ số trong giám sát công trình, quản lý dữ liệu xây dựng minh bạch và thời gian thực; và quan trọng không kém là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ miễn giấy phép không có nghĩa là được xây dựng tùy tiện mà vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, quy hoạch đã được duyệt.
Miễn GPXD - nếu được triển khai đồng bộ, bài bản và có giám sát hiệu quả thì không chỉ là một bước cải cách thủ tục, mà còn là nền tảng để TP HCM tiến gần hơn đến mô hình đô thị thông minh, hiệu quả và văn minh. Nhưng nếu chủ quan, thiếu kiểm soát, nó có thể trở thành "cửa ngõ" cho vi phạm trật tự xây dựng lan rộng.
Bình luận (0)