Ông Dương Quốc Sinh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, cho biết năm 2024 sở đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động nông thôn tham gia học nghề. Trong đó, ưu tiên các nhóm đối tượng như: Người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ có đất bị thu hồi, người khuyết tật, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù…
83% lao động nông thôn có việc làm
Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đào tạo nghề của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp… trên địa bàn để rà soát nhu cầu, cập nhật, bổ sung, đăng ký mới danh mục nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của người học và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2024, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 2.537/2.540 người, đạt tỉ lệ 99,88%. Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 766 người.
Các chương trình đăng ký học được lựa chọn nhiều nhất theo nhu cầu thực tế của địa phương là kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, cây cảnh; kỹ thuật pha chế đồ uống; kỹ thuật nấu ăn; trang điểm thẩm mỹ. Những ngành nghề được nhiều người lựa chọn học vì phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của người dân đang sinh sống trên địa bàn.
Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của từng lao động. Theo ông Sinh, ước lao động nông thôn có việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề trong năm 2024 khoảng 83%.
Anh Lê Quốc Nghị (ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu) tham gia khóa học đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò và được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tư vấn về cách phối giống nhân tạo. Anh Nghị cho hay hiện gia đình đang nuôi đàn bò 3B to khỏe; trong đó, con đực trưởng thành có trọng lượng từ 1.100 - 1.200 kg, con cái từ 700 - 750 kg. "Trước đây, tôi chỉ nuôi bò truyền thống có trọng lượng thấp nhưng khi phối giống loại bò 3B thì hiệu quả và chất lượng hơn hẳn" - anh Nghị phấn khởi.
Người lao động được hỗ trợ sau khóa học
Ông Dương Quốc Sinh khẳng định sau khi học nghề, lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn, các địa phương tư vấn hướng dẫn đến Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành những thủ tục vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm nhằm có vốn thực hiện kinh doanh hoặc phát triển ngành nghề để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, với thực trạng chung hiện nay là nhận thức về học nghề, việc làm của xã hội, của người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng còn nhiều hạn chế, hiệu quả về việc làm và thu nhập sau đào tạo nghề ở một số ngành nghề còn thấp, chưa bền vững là những trở ngại lớn cho việc đẩy mạnh phát triển công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh, ông Dương Quốc Sinh cho hay thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới nhằm tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm thường xuyên và giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, tổng hợp kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, địa phương trong việc triển khai thực hiện những chương trình vốn vay phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn đào tạo nghề với việc làm.
Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của người lao động nông thôn về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề qua các hình thức bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho họ về khoa học kỹ thuật, kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý kinh tế…
Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của nông dân để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và sát với nhu cầu của người dân. Từ đó, thực hiện đa dạng các loại hình, hình thức đào tạo nghề theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để những đối tượng người lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu việc làm của mình.
Ngoài ra, phải thực hiện tốt các chính sách của nhà nước về hỗ trợ người lao động học nghề. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người dạy và học gắn với thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực nông thôn.
Góp phần phát triển kinh tế gia đình
Ông Dương Quốc Sinh khẳng định qua khảo sát có khoảng 90% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm, đa phần người học nghề nằm trong dự án đa dạng hóa sinh kế được hỗ trợ bò sinh sản, qua lớp đào tạo nghề đã giúp các hộ ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn chăn nuôi bò sinh sản, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, một số người học nghề kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật; kỹ thuật nấu ăn; kỹ thuật may công nghiệp đã tự chủ động tìm kiếm việc làm.
Bình luận (0)