Trên thế giới, bóng đá phong trào có sự góp mặt của các cầu thủ chuyên nghiệp là điều hiếm hoi do các ngôi sao này thường chỉ xuất hiện ở những sự kiện mang tính trình diễn, quảng bá. Còn ở Việt Nam, chuyện cầu thủ chuyên nghiệp chuyển sang thi đấu "phủi" là hình ảnh đã quá bình thường và đôi khi sân chơi này là nơi mang đến thu nhập chính cho giới "quần đùi áo số".
Long đong Đông Triều
Cách đây không lâu, người ta bất ngờ với thông tin cựu tuyển thủ Trần Hữu Đông Triều lâm cảnh thất nghiệp, phải đi đá "phủi" để nuôi dưỡng đam mê. Đông Triều là một trong những học viên xuất sắc của khóa 1 Học viện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Arsenal-JMG, cùng thời với Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh...
Trung vệ 28 tuổi này cũng được trao cơ hội sang Arsenal tập huấn và sớm góp mặt ở đội một của CLB HAGL từ mùa giải 2015 cũng như từng được triệu tập đội tuyển U19, U23 và cả tuyển Việt Nam.
Mùa giải 2023, Đông Triều góp công lớn giúp CLB Quảng Nam thăng hạng V-League 2023-2024 nhưng anh cũng phải chia tay đội bóng quê hương vào cuối mùa giải này vì "không đáp ứng được chuyên môn". Để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, Đông Triều chuyển sang công việc kinh doanh và tìm niềm vui khi tham gia một đội bóng phong trào có tiếng tại TP Đà Nẵng.
"Tôi thèm được đắm chìm trong những giây phút tung hoành trên sân cỏ chuyên nghiệp nhưng không còn cơ hội thi đấu. Để tiếp tục đeo đuổi đam mê, tôi tham gia nhiều giải đấu phong trào có chất lượng cao. Đó là nơi tôi được sát cánh cùng những đồng nghiệp có tình cảnh tương tự, được ôn lại những kỷ niệm khi thi đấu đỉnh cao" - cầu thủ sinh năm 1995 chia sẻ.
Trần Hữu Đông Triều từng lên kế hoạch trở thành huấn luyện viên và sẽ tham gia khóa học huấn luyện viên AFC chứng chỉ C do LĐBĐ Việt Nam tổ chức tại Thanh Hóa vào tháng 1-2024.
Chuyện không của riêng ai
Không riêng Đông Triều, nhiều cầu thủ xuất thân từ "lò" HAGL cũng không tìm được bến đỗ mới và phải chơi giải phong trào để có thêm thu nhập. Thủ môn Lê Văn Trường rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi không được CLB Khánh Hòa giữ lại trước thềm mùa giải 2023-2024. Thủ thành sinh năm 1995 quê Vĩnh Phúc buộc phải tham dự các giải đấu phong trào từ trong Nam ra đến tận ngoài Bắc để có thể duy trì phong độ, giữ cảm giác thi đấu cũng như để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Văn Trường cho biết anh vẫn hy vọng được tái xuất ở sân chơi chuyên nghiệp và mong muốn được các đội bóng trao cơ hội thể hiện.
Trong khi đó, sau khi chia tay đội hạng nhất Phù Đổng và không thể tìm được đội bóng mới, hậu vệ Lê Đức Lương quyết định trở về nhà phụ giúp gia đình với công việc chăn nuôi và tham gia các giải phong trào. Cựu tuyển thủ quê Bình Phước sinh năm 1994 là cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal-JMG được chơi bóng tại V-League từ năm 2013. Năm 2016, cầu thủ này còn được CLB Ansan Mugunghwa (Hàn Quốc) mời sang thi đấu nhưng thương vụ này đổ bể vào phút chót. Từ đó, sự nghiệp của Đức Lương đi xuống và phải liên tục ngồi ghế dự bị ở CLB HAGL. Anh chuyển tới CLB TP HCM năm 2020 thi đấu theo dạng cho mượn rồi gia nhập CLB Phù Đổng sau đó 3 mùa trước khi giải nghệ.
Trần Thanh Bình sinh năm 2000 là cựu tiền vệ CLB TP HCM giành ngôi á quân V-League 2019. Tuy nhiên, những thay đổi ở thượng tầng của đội bóng khiến Bình "mập" quyết định từ giã bóng đá chuyên nghiệp trước tuổi 30. Tham gia sân chơi phong trào, Thanh Bình dễ dàng trở thành "siêu sao" nhờ kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao.
"Tuy thu nhập không cố định như khi thi đấu chuyên nghiệp song chơi phong trào cũng có nhiều điều thú vị. Tôi không còn bị áp lực và tinh thần trở nên hưng phấn khi ra sân chơi phủi. Tiền thưởng ở bóng đá phủi cũng không thua kém nhiều so với sân chơi chuyên nghiệp, đủ sống và bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc khi được thử sức ở các mặt sân 5, 7 hoặc 11 người" - Thanh Bình khẳng định.
Futsal cũng chung cảnh ngộ
Ngoại binh Claudecir từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới, góp sức giúp Quảng Nam vô địch V-League 2017 và giờ lại sống vui cùng bóng đá phủi là một ví dụ sinh động nữa cho việc rẽ ngang của các cầu thủ chuyên nghiệp. Ở môn futsal (bóng đá trong nhà), không ít cầu thủ từng là tuyển thủ quốc gia, tham dự những giải đấu hàng đầu thế giới lại trở thành những "phủi" thủ hàng đầu.
Sau khi giải nghệ, Phùng Trọng Luân trở thành "bom tấn" trên thị trường chuyển nhượng của các đội bóng phong trào. Sự góp mặt của cựu tuyển thủ từng đoạt Quả bóng vàng futsal Việt Nam 2017 không chỉ khiến giải đấu phong trào tăng chất lượng chuyên môn mà còn thu hút đông đảo người xem. Trọng Luân cho biết anh có thể chia sẻ đam mê, trở thành nguồn cảm hứng gieo tình yêu bóng đá đến các em nhỏ, phổ biến môn chơi này với cộng đồng.
Trong khi đó, Vũ Quốc Hưng và Nguyễn Văn Hiếu xem sân chơi phong trào là nơi kiếm thu nhập chính, trang trải cuộc sống. Bộ đôi cầu thủ này từng nhiều năm khoác áo tuyển quốc gia nhưng đã quyết định chia tay do không được thi đấu thường xuyên. "Chúng tôi chỉ được chơi 2 giải đấu trong năm với thời gian ít ỏi. Ngoài ra, vì quy chế thi đấu chuyên nghiệp, cầu thủ không được tham dự các giải phong trào. Điều này khiến chúng tôi sa sút phong độ, không có cảm giác bóng và thể lực tốt nhất trước các mùa giải mới" - Văn Hiếu chia sẻ.
Bình luận (0)