Một dạo, ca khúc "Chú ếch con" của nhạc sĩ Phan Nhân phiên bản hợp ca, được giọng ca nhí Hương Trà thể hiện trong chương trình Zecchino d'Oro bằng 2 thứ tiếng: Ý và tiếng Việt đã làm dậy sóng cõi mạng.
Tôn trọng quyền tác giả
Chương trình Zecchino d'Oro là một nhạc hội quốc tế được tổ chức hằng năm tại Ý từ năm 1959 do Cino Tortorella, một nhà tổ chức chương trình truyền hình Ý khởi xướng. Từ năm 1976, nhạc hội này được tổ chức với quy mô quốc tế. Người được trao giải sẽ là tác giả của ca khúc chứ không phải ca sĩ trình bày bài hát.
Ca sĩ Hồng Nhung đã được khen ngợi hết lời khi thực hiện album nhạc thiếu nhi "Tuổi thơ tôi". Album gồm 10 ca khúc, đều là các bài hát đã trở nên quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt như "Hạt gạo làng ta", "Cho con", "Đi học", "Chú ếch con", "Em đi giữa biển vàng", "Bụi phấn"... Những ca khúc này đều được nhạc sĩ Hồng Kiên phối khí mới mẻ để phù hợp với xu hướng âm nhạc mới, mang đậm hơi thở đời sống hiện đại.
Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng đối tượng của sản phẩm "Tuổi thơ tôi" không phải thiếu nhi mà là khán giả lớn - những người luôn mong muốn được trở lại thời ấu thơ. Vì thế, album như một "chiếc vé" để người nghe trở về với những kỷ niệm thời thơ bé của mình. Ca sĩ Hiền Thục cũng thường xuyên có những ca khúc thiếu nhi theo cách hát của một giọng ca trưởng thành.
Theo các nhà chuyên môn, trong âm nhạc, biến tấu là cách sáng tác dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ lâu và sáng tạo ra một tác phẩm mới. Người biến tấu sẽ phải thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh phải đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này.
Những người trong cuộc cho rằng việc biến tấu bất kỳ một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc nào đó đều có thể xem là một cách để người trẻ sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng quyền tác giả là việc cần phải lưu tâm. "Một sản phẩm phái sinh dù có hướng đến mục đích lợi nhuận hay không thì việc lan tỏa những tác phẩm này vẫn đòi hỏi một lối hành xử văn minh, cụ thể là tôn trọng quyền tác giả" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.
Hát sai lời - căn bệnh trầm kha
Trong đêm diễn mới đây của chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2024" phiên bản Việt, ca sĩ Mỹ Linh cùng các thành viên Thu Phương, Uyên Linh, Ninh Dương Lan Ngọc, Trang Pháp, Huyền Baby và Lynk Lee trình diễn bản mashup 2 ca khúc "Diễm xưa", "Đại minh tinh". Các "chị đẹp" xuất hiện với thần thái cuốn hút nhưng khán giả lại nhận ra lời bài hát "Diễm xưa" có phần không đúng.
Trong bản gốc ca khúc "Diễm xưa" do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp, lời bài hát có đoạn: "Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau". Bản "Diễm xưa" tại sân khấu của "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" lại được nhóm của ca sĩ Mỹ Linh hát thành: "Nhớ mãi trong cơn đau vùi"...
Sau khi chương trình phát sóng, BTC chương trình đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nêu lý do xảy ra tình huống này: "Diễm xưa" là một ca khúc kinh điển, đi vào lịch sử cũng như được lưu hành rộng rãi nên phần lời bài hát có nhiều phiên bản khác nhau. Vì vậy, trong quá trình thực hiện ca khúc, chúng tôi đã vô tình tham khảo và sử dụng nhầm một phiên bản không chính xác".
Ca sĩ Mỹ Linh từng bị dư luận chê trách khi hát sai lời trong một đêm nhạc. Mỹ Linh thậm chí nhầm lời đến 2 lần trong 2 ca khúc của Trịnh Công Sơn. Mỹ Linh hồn nhiên hát "Trời sao im vắng" (nguyên văn "Đời sao im vắng") trong ca khúc "Ru ta ngậm ngùi". Ở bài hát "Để gió cuốn đi", Mỹ Linh hát "Một sớm mai chim bay đi bình yên" thay vì lời gốc phải là "Một sớm mai chim bay đi triền miên".
Không chỉ Mỹ Linh, một số ca sĩ chuyên nghiệp và gắn bó lâu năm với nhạc Trịnh đôi khi cũng hát sai. Khi thể hiện ca khúc "Có một dòng sông đã qua đời", Mỹ Tâm hát "Mười năm khi phố khi vùng đồi" thành "Mười năm khi phố khi nụ cười". Ngoài ra, trong ca khúc "Đêm thấy ta là thác đổ", cô đã đổi ca từ "Đời ta hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ" thành "Đời em hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ". Câu hát đổi ngôi nhân xưng của "họa mi tóc nâu" đã vô tình làm đổi cả ý trong ca từ của Trịnh Công Sơn.
Ngoài ra, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường bị hát sai lời như ca khúc "Chiều một mình qua phố" - "có khi nắng khuya chưa lên" bị nhiều người hát thành "có khi nắng mưa chưa lên"; ca khúc "Nắng thủy tinh" - "bàn tay xanh xao" thành "bàn tay xôn xao"; ca khúc "Một cõi đi về" - "con tinh yêu thương" bị hát thành "con tim yêu thương" hay câu "thổi suốt xuân thì" thành "thổi buốt xuân thì".
Trong ca khúc "Biết đâu nguồn cội" của Trịnh Công Sơn, nhiều ca sĩ đã hát "Em đi qua chuyến đò, thấy con trâu đang nằm ngủ" trong khi lời hát đúng là "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ". Việc hát sai lời trong trường hợp này đã làm mất đi hoàn toàn tính nghệ thuật của tác phẩm. Ca khúc "Thành phố buồn" của nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ thường hát sai câu "Rồi từ đó, trốn phong ba..." thành "Rồi từ đó, chốn phong ba…".
Ca khúc "Xóm đêm"của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu: "qua phên vênh có hai mái đầu…", có thể do không hiểu nội dung câu từ, ca sĩ hát sai thành "chênh vênh". "Về quê ngoại" là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu cũng bị ca sĩ hát sai lời. "Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ" bị sửa thành "Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ".
Mới đây, trong buổi giới thiệu về đêm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Vũ - tác giả ca khúc "Bài thánh ca buồn" cho biết ông không vui khi nghe khán giả, thậm chí ca sĩ hát sai lời ca khúc này, khiến thông điệp mình truyền tải không trọn vẹn. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ chỉ ra phần ca từ bị sai như sau: "Câu tôi viết là "Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt", nhưng thường ca sĩ lại hát "Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt". Một câu khác, tôi viết "Ôi giọng hát em mênh mang buồn" thì có người lại hát "mênh mông buồn". Câu hát "Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau" bị các ca sĩ đổi thành "Rồi một chiều áo trắng phai màu, em qua cầu xác pháo bay sau".
Trong đêm "Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt" vừa qua, ca sĩ Uyên Linh hát bài "Giấc mơ chapi" và bị bắt lỗi sai lời: "Ở nơi ấy... Có hai mùa, chỉ có một mùa yêu nhau". "Mùa kia không yêu nhau thì họ làm gì?" - một tài khoản đặt câu hỏi với Uyên Linh. Lời bài hát của Trần Tiến: "Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao/Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau/Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa/Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau".
Theo những người trong cuộc, việc các tác phẩm bị sai lời là thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Rất nhiều tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ bị hát nhầm, sai lời khán giả nghe quen, theo thời gian trở nên phổ biến rộng rãi. Những phần lời của bản gốc lại bị quên lãng.
Hát sai lời ca khúc cũng là một hiện trạng đáng quan tâm. Các nhạc sĩ sáng tác hầu như bất lực bởi chính ca sĩ chuyên nghiệp cũng hát sai lời chứ không chỉ karaoke và những MV của giọng ca ở phòng trà hát với nhau rồi đưa lên mạng xã hội. Hát sai lời bài hát gốc đa phần làm giảm giá trị tác phẩm nhưng cũng có không ít trường hợp nhờ sai lời đã làm hợp lý hơn về ngữ nghĩa trong ca từ; qua đó làm tăng thêm giá trị cho bài hát gốc. Hát sai lời cũng có khi là bắt buộc, chẳng hạn với một số ca khúc sáng tác trước 1975 tại miền Nam - nay được phép sử dụng, phải đổi một số từ ngữ cho phù hợp mới được cho phổ biến.
H.Thân
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-4
Bình luận (0)