Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tuần qua, TP Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024 là một bé gái 10 tuổi, đã được tiêm vắc-xin ngừa sởi.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi tăng cao.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trinh tiêm chủng mớ rộng năm 2023 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh sởi.
WHO cảnh báo thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc, các ổ dịch mới, nhất là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Các chuyên gia khẳng định vắc-xin vẫn được coi là "lá chắn" hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Việc tiêm đủ hai liều vắc-xin có thể đạt hiệu quả ngăn chặn tới 97%. Những người đã được tiêm phòng có thể vẫn mắc bệnh, song chỉ bị nhẹ.
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế lưu ý đối với các bệnh được dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà, bạch hầu...), các địa phương cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bổ sung cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Người mắc bệnh có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.
Để phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cho trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin ngừa sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi... Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.
Bình luận (0)