Ngày 19-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi.
Bệnh sởi tăng mạnh tại nhiều quốc gia
Theo Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Dữ liệu của WHO cho thấy tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh sởi năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Còn tại Việt Nam, ảnh hưởng của COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em trên toàn quốc. Việc nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi các vắc-xin là yếu tố nguy cơ gây bùng phát các dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
Tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin ngừa sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi.
Đồng thời rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống. Vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, năm 2013- 2014, tại miền Bắc đã xảy ra vụ dịch sởi lớn khiến nhiều người mắc và hơn 100 trẻ tử vong do sởi và biến chứng sau sởi.
Các bác sĩ cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.
Bình luận (0)