Là cá nhân đầu tiên trên cả nước sở hữu bảo vật quốc gia, ông Nguyễn Văn Kính cũng là nhà sưu tập đặc biệt khi sở hữu tới 4 bảo vật như vậy.
Vì sao mang tên Kính Hoa?
Trong tổng cộng 294 hiện vật thuộc các thời kỳ lịch sử được công nhận là bảo vật quốc gia, ông Nguyễn Văn Kính sở hữu 2 trống đồng và 2 thạp đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Mới đây, Thạp đồng Kính Hoa II, có niên đại khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên, được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt công nhận thứ 12. Trước đó, 3 cổ vật mà ông Kính sở hữu được công nhận bảo vật quốc gia là Trống đồng Kính Hoa I (niên đại khoảng thế kỷ IV-III trước Công nguyên), Trống đồng Kính Hoa II (niên đại khoảng thế kỷ II-I trước Công nguyên) và Thạp đồng Kính Hoa I (niên đại khoảng thế kỷ II-III).
Dù là chủ nhân những bảo vật của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ nhưng ông Nguyễn Văn Kính vốn không phải là một "tay chơi" đồ cổ. Trái lại, ông nổi tiếng trong lĩnh vực buôn bán hoa tươi tại chợ hoa Nghi Tàm, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đó cũng là lý do tên các bảo vật đều là Kính Hoa - được ghép từ tên ông Kính và ngành nghề kinh doanh mà ông theo đuổi.
Lý giải thêm về tên gọi này, ông Kính cho hay tên Kính Hoa được đặt theo gợi ý của GS Trịnh Sinh, một chuyên gia nổi tiếng về khảo cổ. Theo trình tự, để đăng ký một hiện vật nào đó là cổ vật thì hiện vật ấy phải có tên gọi. Trong lúc ông chưa biết đặt tên các hiện vật này như thế nào thì GS Trịnh Sinh gợi ý: "Tên là Kính, làm nghề bán hoa, hay đặt là Kính Hoa?". Tên Trống đồng Kính Hoa, Thạp đồng Kính Hoa ra đời đơn giản như vậy.
Ông Nguyễn Văn Kính tâm sự: "Việc tôi sở hữu được các cổ vật đều là nhờ "cơ duyên". Dường như "vật tìm người" hoặc tôi được trao truyền sứ mệnh gìn giữ những di sản mà tổ tiên để lại".
Hiện vật độc đáo
Theo hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, Thạp đồng Kính Hoa II đã được nhiều chuyên gia về văn hóa Đông Sơn nghiên cứu, giám định. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng đây là chiếc thạp Đông Sơn tiêu biểu.
Thạp đồng Kính Hoa II thuộc dạng có nắp, với kích thước lớn, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Trên nắp và thân thạp, ngoài các hoa văn hình học thường thấy như răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến hay hồi văn chữ S thì còn có hoa văn tả thực rất sinh động, như hình chim, hình thuyền, hình người hóa trang lông chim, hình chuồn chuồn, hình sam...
"So sánh tổng thể Thạp đồng Kính Hoa II với loại hình thạp có nắp của văn hóa Đông Sơn, có thể nhận thấy nhiều nét tương đồng với nhóm thạp đẹp nhất như Đào Thịnh, Hợp Minh, Đồi Nội Trú, Vạn Thắng hay Xuân Lập. Thạp đồng Kính Hoa II còn có những đặc điểm có thể so sánh với các trống Đông Sơn đẹp nhất, như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ hay Cổ Loa, thể hiện ở nhóm hoa văn tả thực và kỹ thuật sử dụng con kê một cách dày đặc" - hồ sơ của Cục Di sản văn hóa phân tích.
Không chỉ có kích thước to lớn, Thạp đồng Kính Hoa II còn có những nét độc đáo về mặt tạo hình và trang trí hoa văn, không giống với bất cứ thạp Đông Sơn nào từng phát hiện ở Việt Nam. "Trong hệ thống thạp Đông Sơn ở Việt Nam nói riêng và trên bình diện khu vực nói chung, Thạp đồng Kính Hoa II thực sự là một chiếc thạp có hình thức độc đáo, hiếm lạ chưa từng thấy" - Cục Di sản văn hóa khẳng định.
Không chỉ có giá trị về mặt kỹ thuật và nghệ thuật, Thạp đồng Kính Hoa II còn là một nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc nước ta.
Những thạp lớn và đẹp như Đào Thịnh, Kính Hoa II, Đồi Nội Trú, Vạn Thắng I... hay các trống lớn, tinh xảo như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà... được đúc trong giai đoạn này, cho thấy sự phát triển vượt bậc của văn hóa Đông Sơn, trong cả khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Đó là nền văn hóa trống - thạp, hoàn toàn khác biệt với văn hóa đỉnh - lịch của Trung Nguyên Hoa Hạ. Chính những khác biệt mang tính bản sắc ấy đã trở thành bệ đỡ, thành nền tảng khiến văn hóa Việt cổ không bị đồng hóa trước sức mạnh bành trướng của nền văn minh phương Bắc trong cả ngàn năm sau đó.
Bình luận (0)