Trong chuyện rủi ro vẫn có chuyện may mắn: Bác tài đã kịp dừng xe trước khi cơn đột quỵ quật ngã mình.
Bệnh tật thì khó lường, nhưng sự cố này buộc nhà quản lý các loại hình giao thông công cộng phải đánh giá lại nhiều việc. Riêng về xe buýt, chuyện tài xế, loạt phóng sự trên Báo Người Lao Động đã cho thấy đây là công việc rất nặng nhọc, đòi hỏi họ phải có thể lực tốt và sức khỏe ổn định. Thế nhưng gánh nặng cơm áo, công việc cực nhọc thường trực nên khó bảo đảm họ giữ được sức khỏe như yêu cầu khắt khe của công việc đòi hỏi. Những sự cố tương tự rất dễ xảy ra trong hoàn cảnh cả chục ngàn chuyến xe buýt vận hành hằng ngày ở thành phố này.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Từ hơn 10 năm trước, ở thời hoàng kim của xe buýt, mỗi năm hệ thống này vận chuyển hơn 350 triệu lượt hành khách. Các nhà quản lý kỳ vọng xe buýt sẽ đảm nhiệm vai trò chính trong vận tải công cộng và đưa ra mục tiêu 10 năm tới sẽ "gánh" đến 20% lượng khách vận chuyển. Hàng loạt đầu việc được đưa ra và chương trình trợ giá cũng nhanh chóng thực hiện với hàng ngàn tỉ mỗi năm. Riêng năm 2023, tiền trợ giá xe buýt đã lên đến 1.700 tỉ đồng. Thế nhưng, lượng khách hiện nay đã giảm còn chưa đến 1/3 và cả hệ thống xe buýt chỉ đảm nhiệm khoảng 5% vận tải hành khách công cộng.
Điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi quá nhanh nên cách đánh giá và xây dựng hệ thống vận tải công cộng buộc phải thay đổi. Xe buýt đã đánh mất lợi thế của mình và không khéo trở thành gánh nặng khi mức trợ giá ngày càng tăng mà không hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra. Hiện tại, phải thừa nhận trong khoảng không gian chật hẹp của hầu hết các tuyến đường, dễ thấy nhất là hình ảnh xe buýt nhích từng chút trong dòng công nghệ, taxi truyền thống, xe dịch vụ, xe cá nhân… Tình hình kém khả quan hơn khi những con đường hiện hữu không còn nhiều dư địa để mở rộng khiến xe buýt khó "vẫy vùng".
Kế hoạch metro của thành phố là giải pháp hiện đại nhưng phải làm nhanh để chính hệ thống này phát huy sớm tác dụng đóng góp cho nền kinh tế. Phương tiện này mang tính chủ đạo trong hệ thống giao thông công cộng tương lai. Kinh nghiệm này đã có ở những quốc gia lân cận có yếu tố dân số và mô hình đô thị khá tương đồng với Việt Nam. Điển hình có thể nhắc đến hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, với 206 nhà ga dài hơn 300 km. Hiện đại như thế nhưng hệ thống này chỉ đảm nhiệm khoảng 22% trong tổng số 40 triệu lượt hành khách mỗi ngày của Tokyo. Phần còn lại là hệ thống tàu điện nhanh đảm nhiệm với hơn 600 ga phủ khắp nội đô và vùng phụ cận...
Với hơn 10 triệu dân, TP HCM không thể để mãi trì trệ hệ thống vận tải hành khách công cộng. Song hành với hiện đại hóa hệ thống vận tải hiện có thì cần cải tổ toàn bộ hệ thống này bằng các phương tiện hiện đại, sự vận hành tiên tiến. Kế hoạch này không chỉ phục vụ cho thành phố hiện tại mà còn là tiền đề cho sự mở rộng, phát triển TP HCM tương lai để nắm vai trò đầu tàu cho cả vùng kinh tế phía Nam.
Bình luận (0)