Tại kỳ họp thứ 8, diễn ra chiều 30-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Thống nhất cấm thuốc lá điện tử
Theo đó, trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hình ảnh các sản phẩm thuốc lá điện tử trông giống như những món đồ chơi, rất khó phát hiện, dễ hấp dẫn giới trẻ và khẳng định đây là điều rất khó kiểm soát.
Bộ Y tế đã chỉ ra các nguyên nhân khiến các sản phẩm thuốc lá mới vẫn trôi nổi trên thị trường dù không có quy định nào cho phép. Tuy nhiên, vì lợi nhuận của ngành công nghiệp thuốc lá, các sản phẩm này vẫn tồn tại trên thị trường.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dựa trên việc tập hợp các bằng chứng, căn cứ khoa học trên thế giới… về việc thuốc lá mới có chứa nhiều chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người; trước đó, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động của các loại thuốc lá mới, trình Chính phủ.
Quyết định của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 ngay lập tức nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng, cho rằng đây là một quyết định cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, trong đó, có 81 người sử dụng lần đầu và hơn 1.100 người từng dùng một thời gian.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng đây là con số rất đáng lo ngại, có trường hợp có dấu hiệu rối loạn nghiêm trọng. Tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng gặp nhiều ca bị tổn thương phổi cấp, một bệnh mới do thuốc lá điện tử.
Ông Khoa cũng khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều có hại, thành phần chính là nicotine. Với thuốc lá điếu, chúng ta có kiểm soát được lượng nicotine vào cơ thể, còn thuốc lá mới thì không, mức độ gia tăng nghiện rất nhanh. Các sản phẩm này cũng có mẫu mã phong phú, thu hút, hấp dẫn giới trẻ, đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh chóng.
"Mức độ gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử cũng rất nhanh. Điều tra ở nhiều nước và ở Việt Nam cho thấy sau 2 năm, tỉ lệ này tăng gấp đôi"- ông Khoa nói.
Ngay sau khi Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 2025, nhiều độc giả Báo Người Lao Động đã chia sẻ quan điểm đồng thuận với quyết định này.
"Thuốc lá điện tử đã và đang len lỏi vào các trường học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh và những người xung quanh bởi thành phần nicotine trong khói thuốc. Việc cấm sản phẩm này là một quyết định chính xác để giảm nguy cơ về sức khỏe đối với thế hệ tương lai của đất nước"- độc giả có tên AnnTran chia sẻ.
Cùng quan điểm này, độc giả Nguyễn Miền bày tỏ :"Không chỉ là thuốc lá điện tử mà mọi loại thuốc lá đều nên cấm. Những chất gây nghiện này không đem lại bất kỳ một lợi ích gì mà là hiểm họa gây bệnh cho cả cộng đồng. Phải xử phạt nghiêm minh hành vi buôn bán thuốc lá điện tử".
Hơn 10 năm qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Quỹ đã hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn quốc, từ việc nghiên cứu, tuyên truyền, đến các chương trình tư vấn và hỗ trợ cai nghiện.
Các chiến dịch truyền thông của Quỹ đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về nguy cơ từ thuốc lá điện tử, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên. Những thông tin do Quỹ cung cấp về tác hại của thuốc lá điện tử đã khiến nhiều người ý thức hơn về sức khỏe của bản thân và gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 80% người hút thuốc điện tử đã thay đổi quan điểm về thói quen này, một phần nhờ vào các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ do Quỹ hỗ trợ.
Bình luận (0)