KTS TRƯƠNG NAM THUẬN, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh:
Hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp
Theo tôi, có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tham gia giao thông. Đầu tiên là hạ tầng giao thông, cụ thể là diện tích dành cho xe cộ. Nhiều nơi, diện tích dành cho các loại xe lưu thông không đủ, không được phân bổ hợp lý; hoặc không có người điều tiết, xử lý kịp thời.
Tiếp đó là khí hậu. Khí hậu có thể tạo ra một môi trường giao thông dễ chịu hoặc khó chịu. Cụ thể, thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều đều khiến người người tham gia giao thông dễ cáu gắt, ít kiên nhẫn hơn; dễ căng thẳng và lo lắng hơn.
Bên cạnh đó, khói bụi và ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia giao thông. Ngoài ra, kẹt xe, ùn ứ phương tiện cũng góp phần làm tăng cảm giác căng thẳng và mệt mỏi cho người tham gia giao thông.
Tất cả những vấn đề nêu trên cùng tạo ra một môi trường giao thông không chỉ phức tạp về mặt vật lý mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người tham gia giao thông.
Về giải pháp, cần phát triển hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường huyết mạch… Bên cạnh đó, cần tạo thêm nhiều bóng mát, nhiều chỗ dừng nghỉ, các khu vực được che chắn phù hợp trên những tuyến đường trọng điểm; thêm các vạch di chuyển, đèn giảm tốc độ an toàn trên đường tại khu vực trường học, chợ và bệnh viện để tăng cường sự an toàn cho việc di chuyển. Lắp đặt thêm các trụ xử lý không khí ô nhiễm cục bộ trên những tuyến đường có mật độ xe cộ cao để giảm nồng độ khí thải trong không khí…
Như vậy, muốn người tham gia giao thông có ý thức thì trước hết, hạ tầng giao thông phải tạo điều kiện cần và đủ để họ có thể thực hiện hành vi thể hiện văn hóa giao thông trong trạng thái ổn định, an toàn và thuận lợi nhất.
Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM):
Tăng mức chế tài, xử phạt
Cần nhìn nhận mặt tích cực là ý thức của phần đông người dân khi tham gia giao thông đã được cải thiện rất đáng kể so với trước đây. Song, vẫn còn một bộ phận khi tham gia giao thông luôn coi thường pháp luật, tìm các kẽ hở để có thể "luồn lách", thực hiện các hành vi trái quy định.
Với gần 10 triệu dân, hệ thống hạ tầng giao thông ở TP HCM vẫn chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông, đi lại của người dân. Bên cạnh đó, vì ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm, nhất là vào những giờ cao điểm ùn tắc giao thông.
Theo tôi, chính quyền TP HCM cần tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông; tuyên truyền các quy định pháp luật về tham gia giao thông đường bộ để phần nào góp phần nâng cao ý thức của người dân khi ra đường.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước về giao thông giữa các sở, ngành và UBND cấp quận, huyện; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý…
Về cơ bản, hành lang pháp lý về an toàn giao thông đã có và đang được hoàn thiện bằng việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan theo hướng tăng mức phạt hành chính để răn đe người vi phạm.
Luật Xử lý vi phạm hành chính tăng mức xử phạt lên cao hơn mức cũ chính là tăng tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp. Điều này tác động rất lớn đến ý thức của người tham gia giao thông, khi họ thấy được hậu quả của việc vi phạm pháp luật - sẽ phải đối mặt thiệt hại về kinh tế từ việc xử phạt của cơ quan chức năng.
Như vậy, việc tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ tác động đối với người tham gia giao thông. Việc tăng mức chế tài nhằm tăng tính răn đe, giúp người dân ý thức được việc không vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông là cần thiết. Không ai muốn mình bị phạt tiền nặng. Từ đó, có thể giảm thiểu được tình trạng vi phạm luật giao thông, giảm đáng kể các vụ tai nạn.
Theo tôi, để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, cần hiện đại hóa việc kiểm soát, giám sát theo hướng sử dụng công nghệ xử phạt nguội và áp dụng hệ thống giao thông thông minh. Nên nghiên cứu để điều chỉnh những quy trình về xử lý, xử phạt sao cho gọn nhất, nhanh nhất.
Ngoài ra, vừa tăng cường xử phạt vừa đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để người đi đường chấp hành pháp luật giao thông một cách tự giác.
Trước mắt, có thể hình thức xử phạt hành chính đối với người vi phạm là có hiệu quả nhưng về lâu dài, nếu cứ tăng mức phạt lên cao dần cũng không phải là phương án tối ưu. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông, cần có giải pháp tổng thể, lâu dài.
Chẳng hạn, cần ban hành văn bản hướng dẫn các quy định chi tiết hơn nữa để các cơ quan thực thi pháp luật cũng như người tham gia giao thông nắm được và áp dụng một cách chính xác nhất, tránh sự chồng chéo.
Ngăn chặn "chung chi"
Theo luật sư Trần Minh Hùng, cần ngăn chặn tình trạng người vi phạm giao thông "chung chi" cho lực lượng chức năng hòng bỏ qua lỗi của mình. Muốn vậy, cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên quản lý, kiểm tra những cán bộ, chiến sĩ CSGT được giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân hiểu hành vi "chung chi" là sai quy định pháp luật. Người thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử phạt hành chính.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5
Bình luận (0)