Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Chính phủ đặt ra ở mức 8% trở lên là cao và đầy thách thức. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ lần đầu tiên ban hành nghị quyết cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, hàng loạt địa phương nhận nhiệm vụ khá khó khăn là phải đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số như Bình Dương 10%, Đồng Nai 10%, Đà Nẵng 10%, Hải Phòng 12,5%, Bắc Giang 13,6%...
Từ yêu cầu trên, các ngành, địa phương sẽ phải nỗ lực cùng hành động, cùng phấn đấu để đạt mục tiêu chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, không có nghĩa là các địa phương sẽ dàn hàng ngang cùng phát triển mọi lĩnh vực mà mỗi nơi phải biết cách khai thác thế mạnh của mình, qua đó kích hoạt được những động lực tăng trưởng riêng. Mặt khác, nếu từng địa phương nỗ lực riêng lẻ và vận động như một nền kinh tế độc lập thì không đủ. Cần có sự kết nối thế mạnh giữa các địa phương, các vùng cùng với kết nối chuỗi giá trị để cùng phát triển.
Thời điểm này còn sớm để nhận định khả năng tăng trưởng của nền kinh tế năm 2025 bởi chúng ta phải đối mặt những yếu tố bất định. Trên thế giới, nguy cơ về cuộc chiến thương mại đang cận kề cùng những rào cản mới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng nổi lên. Trong nước, chỉ trong tháng đầu năm đã có khoảng 52.800 doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái...
Chúng ta cần những giải pháp đủ mạnh mẽ để vượt qua và nắm bắt cơ hội từ thách thức, làm mới những động lực tăng trưởng vốn có. Chẳng hạn, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam có thể tận dụng để tăng cường xuất khẩu sản phẩm giá trị cao thay vì dựa vào lắp ráp, thâm dụng lao động. Hay với đầu tư công, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để lan tỏa cho lĩnh vực khác và hỗ trợ kết nối vùng, miền. Với thị trường nội địa - động lực rất quan trọng khi tình hình thế giới có những bất ổn, cần chính sách hỗ trợ cả cung lẫn cầu, kết nối chặt chẽ sản xuất với tiêu dùng có trách nhiệm, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Quan trọng không kém là những động lực tăng trưởng mới đã được nhận diện. Đó là động lực từ cải cách và tinh gọn bộ máy để hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch hơn. Đó còn là động lực từ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ. Bên cạnh đó, không gian kinh tế mới đã định hình rõ ràng hơn với định hướng phát triển số hóa, trí tuệ nhân tạo, đặc khu kinh tế và trung tâm tài chính quy mô toàn cầu.
Chúng ta có sự tự tin và hứng khởi nhờ khả năng phục hồi tăng trưởng khá ấn tượng cùng ý chí, quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xác định điểm nghẽn, giải pháp cụ thể, "chỉ bàn làm không bàn lùi". Nền tảng tốt hơn cả về 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, sẽ là điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng năm 2025.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)