Bốn dự án luật được góp ý tại hội thảo gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Các dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào trung tuần tháng 2-2025.
Góp ý tại hội thảo về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội, cho rằng nếu không có một hệ thống kiểm soát quyền lực đủ mạnh, nguy cơ lạm dụng, vi phạm sẽ tiếp tục xảy ra.
PGS-TS Phan Thanh Bình cũng cho rằng việc giám sát tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước cũng cần được thực hiện chặt chẽ hơn. Do đó, nên có quy định bắt buộc công khai tài chính đối với các khoản chi lớn của Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo việc sử dụng ngân sách đúng mục đích, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng khi sửa luật phải sửa căn bản, Quốc hội phải kiểm soát ngân sách nhà nước. Trong đó, cần có quy định, quy trình kiểm soát ngân sách một cách chặt chẽ.
Góp ý cho Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, nói việc sửa đổi cần mang tính đột phá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu.
Theo đó, trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) cần có quy định hướng đến việc tổ chức ủy ban hành chính, trước mắt có thể quy định thí điểm ở các địa phương đang tổ chức thực hiện chính quyền đô thị.
Bình luận (0)