Thời gian gần đây, giá cà phê tăng mạnh, biến động với biên độ lớn gây tác động lớn đến toàn ngành.
Để ngành cà phê phát triển bền vững, cần có tầm nhìn dài hạn và kiên định, tránh bị xao động bởi yếu tố giá lên - xuống hằng ngày. Một ngành hàng cà phê bền vững khi bảo đảm được 3 yếu tố chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Tầm nhìn của ngành cà phê Việt Nam phải dài hạn từ 5 - 10 năm chứ đừng tính theo từng vụ!
Hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất cà phê, gây tình trạng mất mùa, canh tác khó khăn.
Để thích ứng vấn đề này, cần những mô hình sản xuất bền vững, từ giống, quy trình canh tác để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ngành cà phê còn bị ảnh hưởng bởi các sàn kỳ hạn London - Anh và New York - Mỹ và hoạt động trên các sàn này lại phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô như: lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tỉ giá đồng USD với đồng nội tệ các nước xuất khẩu cà phê, quyết định của các nhà đầu tư tài chính...
Thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã chọn con đường làm cà phê đặc sản để tránh bớt sự phụ thuộc vào giá sàn, bởi đây là dòng cà phê đặc biệt, được mua bán theo phương thức thỏa thuận, thậm chí là đấu giá chứ không như hàng thương mại thông thường. Trước đây, quy mô của các trang trại sản xuất cà phê đặc sản còn nhỏ, nay quy mô đã lớn hơn, có những trang trại có sản lượng lên đến hơn chục tấn cà phê đặc sản và có đầu ra rất tốt.
Với các nhà xuất khẩu cà phê, trước giờ còn ít quan tâm đến việc đầu tư cho vùng nguyên liệu, thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu mà chủ yếu chỉ thực hiện việc thương mại. Điều này, các doanh nghiệp trong nước cần học các tập đoàn cà phê nước ngoài. Khi đến Việt Nam, họ đều có sự đầu tư nhất định cho các khâu tập huấn, đào tạo nông dân sản xuất bền vững.
Hiện nay, với xu thế cà phê phải truy xuất nguồn gốc, nâng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm thì việc doanh nghiệp xuất khẩu phải liên kết chặt chẽ với nông dân là con đường tất yếu.
Một yếu tố giúp ngành cà phê phát triển bền vững là nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu đã và đang tăng trưởng ổn định nhiều năm qua, được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số, sự phát triển tầng lớp trung lưu và thay đổi lối sống. Tăng trưởng của toàn ngành đạt mức 2%-3%, thị trường nội địa còn tăng trưởng cao hơn.
Tóm lại, ngành cà phê toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến ngành cà phê Việt Nam thông qua các yếu tố giá cả, nhu cầu tiêu thụ, tiêu chuẩn bền vững, biến đổi khí hậu và cạnh tranh.
Để thích ứng và phát triển ngành cà phê một cách bền vững, Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất bền vững và ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tác động của khí hậu. Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh là chiến lược quan trọng để giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững và giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.
Bình luận (0)