Từ năm 2019, cơ quan quản lý đã thống kê được 410 cây giáng hương hàng trăm năm tuổi trong lâm phần bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Theo ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, giáng hương ở đây mọc tự nhiên, đường kính bình quân từ 0,35 đến 1,4 m. Giáng hương mọc thành quần thể, tập trung chủ yếu ở làng Vir (250 cây) và làng H'ro (40 cây), còn lại mọc rải rác trên các dãy núi ở 7 tiểu khu.
Ông Vũ Quang Sáng, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, cho biết các cây giáng hương có đường kính rất lớn, vân đẹp, mùi thơm nồng nàn. "Nếu tính về số lượng và năm tuổi thì rừng giáng hương ở huyện Kbang là độc nhất tại tỉnh Gia Lai và hiếm hoi trên cả nước" - ông Sáng khẳng định.
Gỗ giáng hương có giá trị kinh tế cao, nhất là những cây có đường kính lớn. Vì vậy, lâm tặc luôn tìm cách đốn hạ đem ra khỏi rừng. Để bảo vệ giáng hương, cán bộ và nhân viên quản lý phải tăng cường tuần tra, dựng lán trại chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào rừng; đồng thời tuyên truyền, giao rừng cho người dân cùng chung tay tuần tra, bảo vệ.

Giáng hương cổ thụ tại khu rừng thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đang được canh giữ cẩn trọng
Không chỉ canh giữ cây còn sống, hàng chục cây giáng hương bị ngã đổ cũng đang được bảo vệ cẩn mật. Theo quy định, giáng hương ngã đổ phải giữ nguyên hiện trạng, không được tác động, đưa ra ngoài.
Việc bảo vệ rừng giáng hương cũng chịu nhiều áp lực. Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, giáng hương thường mọc dọc sườn núi, đồi dốc, do đó việc tuần tra, bảo vệ rất khó khăn.
Ông Dương Tuấn Anh, chốt trưởng chốt quản lý bảo vệ rừng Tơ Nang - Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Pa, cho biết nhân viên bảo vệ dựng lán trại tạm bợ sâu trong rừng già để canh giữ cây, chấp nhận sống thiếu thốn, xa gia đình. Chốt này cách làng Vir khoảng 2 km đường rừng; chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 1.512 ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 256 cây giáng hương.
Theo ông Sáng, lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp với đoàn liên ngành tuần tra, bảo vệ từng cây giáng hương, đồng thời cùng các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng quyết liệt đấu tranh phòng chống lâm tặc. Nhờ vậy, rừng giáng hương thời gian qua được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ xảy ra một số vụ chặt cành nhánh và đã bị xử phạt hành chính.
Bình luận (0)