Nghị định 101/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) là tin vui đối với người dân xây nhà trên đất quy hoạch.
Triển khai đồng bộ, thống nhất
Ông Trần Đình Quân, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết đã có công văn gửi UBND 34 phường trên địa bàn về trường hợp đăng ký tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đăng ký thay đổi về tài sản gắn liền với đất đối với giấy phép xây dựng có thời hạn của hộ gia đình, cá nhân (gọi tắt là hồ sơ hoàn công).
Nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất cách xác nhận hồ sơ hoàn công, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức sẽ thực hiện đăng ký biến động đối với hồ sơ hoàn công có giấy phép xây dựng có thời hạn (theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 148 và điểm d, khoản 2 điều 151 của Luật Đất đai 2024).
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức đề nghị UBND 34 phường trên địa bàn TP Thủ Đức phối hợp thực hiện trong việc kiểm tra hiện trạng, xác định nội dung xây dựng so với giấy phép xây dựng có thời hạn trước khi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức thực hiện đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định 101/2024.
Đồng thời, cơ quan này đề nghị UBND 34 phường phổ biến nội dung trên đến người dân được biết. Liên hệ tại khu vực tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức (56 Đặng Như Mai, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) để được hướng dẫn việc khai, lập, nộp hồ sơ hoàn công đối với trường hợp tạo lập nhà theo giấy phép xây dựng có thời hạn như quy định nêu trên.
Cần sớm đi vào đời sống
Tại TP HCM, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân rất lớn và người dân trong khu vực quy hoạch cũng không ngoại lệ. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong khu vực quy hoạch, năm 2017, UBND TP HCM ban hành Quyết định 26/2017/QĐ-UBND quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, công trình hoặc nhà ở riêng lẻ có sẵn thuộc khu vực có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (xây dựng tạm) để sửa chữa, cải tạo và xây dựng công trình hoặc nhà ở riêng lẻ theo đúng mục đích sử dụng đất trước đó, với quy mô tối đa 3 tầng.
Thế nhưng trên thực tế, người dân vẫn không được hợp thức hóa căn nhà sau khi xây dựng. Lý do là theo quy định tại điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, một trong những điều kiện để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là phải có giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định. Chính quy định này khiến người dân trong khu quy hoạch e ngại xây dựng nhà kiên cố vì nếu triển khai dự án thì có nguy cơ mất nhà, mất tiền.
Sau đó, Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, đã chấp thuận giấy phép xây dựng có thời hạn là một trong những điều kiện được thực hiện thủ tục hoàn công, cấp sổ hồng cho người dân. Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định tại nghị định này mang tin vui cho người dân xây dựng tạm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên quyền lợi của người dân chưa được giải quyết tới nơi tới chốn.
Theo giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của một địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh trên địa bàn thành phố, thực tế việc thực hiện thủ tục hoàn công, cấp sổ hồng cho người dân xây dựng nhà theo Quyết định 26/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố chưa triển khai được vì có những khó khăn, vướng mắc. Còn việc triển khai Nghị định 101/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố thì hiện chưa có quy trình thực hiện và đang chờ cơ quan chức năng cấp trên hướng dẫn.
Lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cho biết thêm Nghị định 148/2020/NĐ-CP chấp thuận giấy phép xây dựng có thời hạn là một trong những điều kiện được thực hiện thủ tục hoàn công. Tuy nhiên, điều này không được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 nên không cơ sở để triển khai. Nghị định này chỉ chỉnh "phần ngọn" mà chưa sửa được "phần gốc".
Ông Lê Nguyên Phương (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng người dân rất vui khi cơ quan chức năng sớm triển khai Nghị định 101/2024/NĐ-CP, kể từ ngày 1-8. Theo ông, cơ quan chức năng thành phố cần phối hợp đồng bộ, kịp thời để hướng dẫn các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai triển khai tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn công để cấp "sổ hồng" cho người dân xây nhà theo giấy phép xây dựng có thời hạn.
Với nhiều người dân, ngôi nhà là tài sản hợp pháp, tiền tích lũy bao nhiêu năm mới có được. Vì vậy, việc hợp thức hóa nhà theo quy định mới thể hiện sự công bằng, nhất là đối với người dân trong vùng quy hoạch "treo" vốn chịu nhiều thiệt thòi.
20 năm qua, UBND TP HCM đã ban hành nhiều quyết định về cấp phép xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch: Quyết định 217/2004, Quyết định 04/2006, Quyết định 68/2010 (ban hành quy định về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn thành phố); Quyết định 21/2013, Quyết định 21/2014 (quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố); Quyết định 26/2017 (quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố).
Bình luận (0)