xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp tập kích cầu tiêu dùng Tết Giáp Thìn

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp càng nóng lòng kích cầu với hy vọng có thể phá vỡ sức ì thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa

Theo báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đã tăng tương đối cao, ở mức 9,6% so với năm trước. Tuy nhiên, thực tế tổng cầu vẫn rất yếu, thị trường tiêu dùng khá ảm đạm, làm chùn lòng nhiều nhà sản xuất - kinh doanh.

Sức mua èo uột

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 ngàn tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Khu vực tiêu dùng, dịch vụ được đánh giá là đạt tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh tiêu dùng trong khu vực và thế giới không có nhiều khả quan.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và doanh nghiệp (DN), mức tăng trưởng trên chưa phản ánh đúng thực chất khi thị trường tiêu dùng còn ảm đạm. Chỉ số tiêu dùng cuối cùng năm 2023 chỉ tăng 3,52% so với năm 2022 (so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,18%). 

Đến hết năm 2023, doanh thu từ bán lẻ ước đạt 4.858,6 ngàn tỉ đồng, tăng 8,6%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (14,4%). Quan trọng hơn, tốc độ tăng chủ yếu từ doanh thu theo mức giá tăng cao. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức độ tăng được cho là không đáng kể.

Thực tế thị trường TP HCM trong 2 ngày cuối tuần đầu tháng 1-2024 (cũng là tuần cuối của tháng 11 âm lịch), nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng vẫn giữ nhịp kinh doanh như ngày thường. Những nơi này chưa có hiện tượng đông đúc như thông lệ trước Tết Nguyên đán những năm trước.

Trước đó, dự báo về thị trường Tết 2024, công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam đã chỉ ra người tiêu dùng sẽ không chi tiêu nhiều mà có xu hướng mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm Tết. 

Trong đó, họ ưu tiên hàng hóa, sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…

Dự báo thị trường Tết nhiều khó khăn, hầu hết DN đã quan tâm, chuẩn bị sớm hơn các năm trước để chủ động điều chỉnh kế hoạch, có giải pháp thích ứng với những biến động. Thế nhưng, đến nay, nhiều DN sốt ruột vì vẫn chưa có tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đã nới lỏng chi tiêu.

"Chưa năm nào kinh doanh Tết căng thẳng như năm nay. Chúng tôi phải họp liên tục để phân tích tình hình, tìm giải pháp kích cầu và cân đối nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu khách hàng" - giám đốc một hệ thống siêu thị bộc bạch.

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có động thái mua sắm Tết

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có động thái mua sắm Tết

Kiên trì các giải pháp đẩy sức mua

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được triển khai nhưng kết quả tăng trưởng chưa như kỳ vọng.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - ĐHQG Hà Nội, cho biết khó khăn của các DN thương mại và hộ kinh doanh hiện nay là khả năng tiếp cận thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp kích hoạt dịch vụ tiêu dùng, thương mại để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Đi vào giải pháp cụ thể, mới đây, qua cầu nối là Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) và Báo Sài Gòn Giải Phóng, 3 nhà phân phối lớn là Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market đã ký thỏa thuận kết nối giúp DN xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất.

Cụ thể, Saigon Co.op sẽ xây dựng chính sách ưu đãi (ưu tiên thuê diện tích quầy kệ, vị trí trưng bày sản phẩm…), chương trình khuyến mãi... để hỗ trợ các DN đạt danh hiệu DN xanh của TP HCM. MM Mega Market thì sẽ chia sẻ các chiến lược về phát triển sản phẩm, thông tin mong muốn và nhu cầu của khách hàng... 

Hệ thống Satra cũng cam kết sẽ trưng bày sản phẩm của các DN xanh ở khu vực tập trung tại các siêu thị và một số cửa hàng tiện lợi của hệ thống; giới thiệu tất cả DN xanh đến các đơn vị thành viên của Satra để kết nối, hợp tác. Hiện nay, 17/90 sản phẩm xanh của TP HCM đã có mặt trên quầy kệ hệ thống phân phối của Satra.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết năm 2023, ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp giúp kinh tế TP HCM vượt qua khó khăn thông qua việc gia tăng bán hàng trong nước, đẩy mạnh liên kết địa phương, liên kết vùng, vừa tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho DN TP HCM vừa giúp DN các tỉnh kéo giảm chi phí tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, tổ chức kích cầu tiêu dùng, giảm hàng tồn kho...

"Ngành công thương đang đẩy mạnh thực hiện những giải pháp đã làm thành công trong năm 2023, kiên định với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường nội địa để tạo bệ đỡ cho hoạt động kinh tế của TP HCM" - ông Hoàng Vũ nhấn mạnh. 

Tiếp tục "sale bùng nổ"

Để duy trì lực cầu, các DN sản xuất, phân phối tiếp tục cắt giảm lợi nhuận, giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu và triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá sốc ở các siêu thị, cửa hàng lẫn trên website, app bán hàng online.

Theo ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó Tổng Giám đốc Gigamall Việt Nam, lượng hàng tồn kho của các nhãn hàng rất nhiều. Do đó, trước Tết Nguyên đán, các nhãn hàng tập trung những chương trình kích cầu, "sale bùng nổ"; đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử để kích thích sức mua.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo