Sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt tay vào công cuộc phục hồi, trong đó ưu tiên cho lộ trình kích thích nhu cầu mua sắm nội địa nhằm "chữa trị" cho nền kinh tế. Ngay trong khu vực châu Á, từ năm 2022 đến nay, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore đều tung ra những gói kích thích kinh tế, thậm chí phát tiền cho người dân chi tiêu.
Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Những tháng cuối năm 2023, chính phủ Thái Lan công bố phát 560 tỉ baht (16 tỉ USD) vào ví điện tử của người dân để kích thích tiêu dùng. Trung bình, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Chưa hết, nước này còn mạnh tay giảm giá năng lượng trong nước.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market Việt Nam (thuộc Tập đoàn BJC, Thái Lan), cho biết chính sách này đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Số người đến siêu thị Big C (thuộc BJC) mua sắm và thanh toán thông qua ví điện tử tăng cao so với trước khi được chính phủ cho tiền. "Bất ngờ là người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn số tiền được cho trong ví, từ đó giúp các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ được hàng hóa, tái đầu tư cho sản xuất - kinh doanh" - ông Khôi nói.
Theo đại diện MM Mega Market Việt Nam, trong bối cảnh tiêu dùng tại Việt Nam ảm đạm, các giải pháp khuyến mãi giảm giá, bình ổn giá, đa dạng kênh bán hàng… của DN hiện tại chưa đủ sức đẩy sức cầu lên, nếu người dân được cấp "vốn mồi" để chi tiêu dịp Tết này sẽ tạo sức bật cho thị trường. "Có thể gói gọn thời gian sử dụng gói hỗ trợ trong 2 tháng trước và sau Tết nhằm phát huy tối đa hiệu quả kích cầu trong mùa mua sắm lớn nhất năm" - ông Khôi gợi ý.
Thực tế, từ vài tháng trước, Chính phủ đã triển khai một loạt giải pháp để kích cầu tiêu dùng các tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế lẫn DN, những chính sách này còn rời rạc. Do đó, cần triển khai các chính sách đồng loạt, mạnh mẽ, dứt khoát để kích thích tổng cầu.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) - nêu giải pháp quan trọng nhất để tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền trong giai đoạn này là làm sao để giá thành hàng hóa giảm.
"Cần kéo giảm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, xúc tiến, quảng bá sản phẩm làm cho thị trường sinh động lên. Trước mắt, chính quyền có thể phối hợp DN tổ chức các lễ hội, hội chợ, triển lãm, kinh tế đêm… miễn phí cho DN vào trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, từ đó tạo thêm kênh cho người dân tiêu xài" - ông Hòa kiến nghị.
Chủ tịch HUBA nói thêm việc kích thích tổng cầu giai đoạn này và cả năm 2024 cần phải đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các hoạt động chi tiêu của Chính phủ. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, người dân có việc làm và thu nhập ổn định thì sẽ tăng chi tiêu.
Thúc đẩy kinh tế số
Hiện nhiều DN, người kinh doanh vẫn đang "sống khỏe" nhờ biết tận dụng lợi thế bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Tính riêng tại TP HCM, tăng trưởng thương mại điện tử trong năm 2023 đã đạt trên 60%, bỏ xa kênh thương mại hiện đại.
Trước tốc độ tăng trưởng vũ bão của kinh tế số, nổi bật nhất là thương mại điện tử và thương mại thông qua mạng xã hội (social commerce), TP HCM đã triển khai các hoạt động để đưa kinh tế số vào phát triển kinh tế. Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kênh TikTok E2E của Tập đoàn KIDO, cho rằng có rất nhiều cơ hội cho DN, người bán hàng khai thác trên social commerce.
"Thương mại trên mạng xã hội không phải là xu hướng mà là xu thế tất yếu để tất cả cá nhân kinh doanh, người kinh doanh nhỏ lẻ, DN trung bình, DN lớn và thậm chí những tổ chức liên quan đều phải tham gia. Công nghệ đã thay đổi toàn bộ hành vi mua sắm thông qua các siêu ứng dụng, chợ online và các phương thức bán hàng online khác nhau, từ đó thay đổi việc tổ chức bán hàng của các DN" - ông Bảo nêu thực tế.
Nêu con số tăng trưởng sốc của TikTok với hơn 12 tỉ lượt xem video mỗi ngày ở Việt Nam, hàng triệu video đưa lên nền tảng hằng ngày, trong đó bao gồm các video mô tả sản phẩm để làm nền tảng bán hàng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết mỗi ngày có khoảng 40 - 50 triệu người mua bán trên nền tảng, thực hiện 1 - 2 triệu đơn hàng.
Theo ông Thanh, hiện có trên 2 triệu nhà sáng tạo nội dung sẵn sàng livestream bán hàng coi như thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi làm sao để livestream bán hàng trở thành phương thức bán hàng thường xuyên, mang lại hiệu quả cho người kinh doanh, ông Thanh cho biết cách đây hơn 3 tháng, TikTok làm việc với TP HCM và Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM về kế hoạch đưa các giá trị cho người dân thành phố thông qua nền tảng TikTok. Một trong 3 hoạt động chính là TikTok sẽ phối hợp với thành phố nâng cao năng lực cho lực lượng lao động, tiểu thương, DN nhỏ và vừa, DN lớn.
"Chương trình OCOP Cần Giờ quảng bá sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của thành phố đã gây tiếng vang lớn. Chương trình livestream bán hàng ở chợ Bến Thành cũng thắng lớn. Sắp tới, thông qua cầu nối là Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, TikTok sẽ phối hợp những trường có khoa e-commerce để đào tạo lực lượng lao động biết về e-commerce nhiều hơn. Ngoài ra, thông qua đầu mối HUBA, có thể phối hợp làm chương trình đào tạo và các nhóm hỗ trợ 1-1 để thúc đẩy thương mại điện tử trên nền tảng TikTok" - ông Thanh thông tin.
Quyết liệt giảm thuế để kích cầu
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, phân tích chính sách giảm thuế GTGT 10% còn 8% là cần thiết để tạo kỳ vọng về thu nhập cho người dân nhưng vì triển khai chưa dứt khoát nên làm giảm động lực kích thích tiêu dùng trong hiện tại. Sắp tới, Chính phủ cần mạnh dạn hơn nữa.
"Chúng ta phải chấp nhận chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: khi tiêu dùng hộ gia đình giảm, tiêu dùng đầu tư của DN giảm, xuất khẩu cũng giảm thì chi tiêu của Chính phủ phải tăng, phải giảm thuế, chấp nhận tăng thâm hụt trong ngắn hạn để bù đắp lại sự suy yếu sức cầu ở các khu vực khác. Vì vậy, cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân, giảm thuế thu nhập DN cho DN để cải cách thuế trong ngắn hạn và kích cầu ngay bây giờ" - ông Tuấn đề xuất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-1
Bình luận (0)