Mê đắm quyền lực mà lại thiếu năng lực đang trở thành xu hướng mà nét đặc trưng của nó là “chạy ghế”. Khi “cái ghế” vượt trên thực tài và cái tâm của người nắm giữ thì tất yếu dẫn đến tình trạng xem thường trách nhiệm, đạo đức như một cách phản ứng tự nhiên.
Lúc này, để giữ và tôn tạo quyền lực, họ không thể không tìm mọi cách tạo vây cánh, không thể không tìm chỗ “dựa lưng” càng chắc càng tốt. Những thế lực như thế đang xuất hiện dưới nhiều dạng tinh vi, rất đáng sợ, cấu kết nhau giẫm đạp lên lợi ích và nguyện vọng của người dân- những người mà họ từng tuyên thệ phục vụ suốt đời. Điều đáng nói là những cán bộ sống bằng dây mơ rễ má như vậy luôn né tránh đấu tranh, coi nhẹ lẽ phải và sự công bằng. Họ không dễ dàng chấp nhận ra đi (dù trong tư thế thuận lợi nhất), bởi điều đó có nghĩa là thú nhận mình kém tài, thiếu đức!
Vì sao khi mắc sai lầm, không ít quan chức ở nước ta lại sợ hãi chuyện từ chức đến như vậy? Có thể lý giải: Do họ tiếc nuối quyền lực, không muốn nhận mình kém cỏi, do không thấy bản thân việc từ chức cũng là một thái độ trách nhiệm và trên hết, do không có chút sức ép nào từ chính lương tâm họ. Vâng, khi lương tâm bất động thì khó có thể là “người khôn ngoan biết rút lui một phút trước khi trở thành thừa”.
Sau quyết định từ chức của ông Lê Huy Ngọ, nguyên bộ trưởng Bộ NN-PTNT, người dân đã dành cho ông sự quý trọng khi nhìn thấy ông lăn xả trong các vùng mưa bão để chỉ đạo phòng chống, cứu nạn, thăm hỏi và động viên những người gặp nạn. Tấm lòng của dân mình khoáng đạt một cách dễ hiểu: Không phải quyền cao chức trọng mà chính những việc làm ích nước lợi dân của cán bộ mới đáng phục, đáng quý. Ngược lại, người dân cũng thật nghiêm khắc trước những vị kém tài, thiếu đức mà cứ khư khư bám ghế.
Biết từ chối “cái ghế” cao hơn tài đức của mình và biết từ chức ngay khi lương tâm lên tiếng, đó chính là văn hóa chức vụ, là tính chuyên nghiệp - điều đang rất thiếu trong đội ngũ cán bộ, công chức của ta.
Bình luận (0)