Chúng ta hoàn toàn có thể tin tính xác thực từ khẳng định của người đứng đầu công tác kiểm tra Đảng của Hà Nội trong bối cảnh tiêu cực khá phổ biến hiện nay ở bộ máy hành chính công.
Nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta thấy việc thi tuyển để ra làm quan không có gì xa lạ, mới mẻ.
Từ các triều Lý, Trần, Hồ đã tiến hành bổ dụng quan lại thông qua con đường thi cử. Nhờ đó, việc trị vì của nhà vua được cải thiện nhiều. Vào những năm đầu của thời đại Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ và ác liệt, năm 1950, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 76-SL ban hành Quy chế Công chức Việt Nam. Tại điều 17 của quy chế có ghi: “Tuyển bổ sau kỳ thi - Tùy nhu cầu công việc, cấp quản trị công chức sẽ mở những kỳ thi tuyển nhân viên. Kỳ thi phải công bố trước ngày thi ít nhất là 2 tháng…”.
Rõ ràng, tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch sẽ chọn được đúng người tài cho bộ máy Nhà nước, chống được tệ nạn ô dù, tạo được sự công bằng cho mọi ứng viên, góp phần nâng dần chất lượng đội ngũ công chức hành chính.
Trong 4 bộ phận cấu thành nền hành chính quốc gia gồm thể chế hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, công chức hành chính và tài chính công thì công chức hành chính là bộ phận giữ vai trò chủ đạo. Lý do rất dễ thấy là vì con người tạo ra thể chế, con người tạo ra tổ chức cũng như sử dụng tài chính công.
Chính vì vậy, thi tuyển công chức là giải pháp chuẩn hóa đầu vào của đội ngũ công chức vốn còn nhiều bất cập. Đây là một chủ trương lớn, là bước đột phá trong cải cách hành chính. Vì thế, rất cần sự giám sát của xã hội, trước hết là những đại biểu Quốc hội và HĐND. Chắc hẳn không chỉ ở Hà Nội mà 62 tỉnh, thành còn lại, kể cả các bộ - ngành, cũng phải giám sát nghiêm túc các kỳ thi tuyển công chức, nhìn thẳng vào sự thật để tự soi rọi và nâng mình lên.
Bình luận (0)