Dư luận đang hướng cái nhìn băn khoăn về sự việc một phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị cha một bệnh nhi dùng cốc thủy tinh đập vào đầu cách đây hơn 1 tuần.Băn khoăn vì bác sĩ bị đánh là người “hiền lành, năng lực chuyên môn tốt” (theo đánh giá của giám đốc bệnh viện này) hay vì nạn hành hung bác sĩ vẫn tồn tại dai dẳng?
Sự việc xảy ra khi bác sĩ Lê Quang Dương, trưởng kíp trực, đang xem hồ sơ bệnh án cho bệnh nhi 10 tháng tuổi bị bệnh tiêu chảy sau khi gia đình yêu cầu cho cháu bé chuyển viện. Cú đánh đã khiến bác sĩ bất tỉnh, máu đổ nhiều.
Chưa bao giờ tình trạng hành hung bác sĩ lại xảy ra liên tục với tính chất ngày càng nghiêm trọng như những năm gần đây. Hàng loạt vụ đánh đập, lăng mạ nhân viên y tế xảy ra gần như khắp cả nước. Vụ tấn công bác sĩ ở BV Thạch Thất là một bước leo thang mới và đáng chú ý vì diễn ra chỉ khoảng 10 ngày sau hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội. Sau hội nghị hôm 7-4, có thể nghe thấy những tiếng vọng lớn.
GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định trong thời gian qua có khá nhiều vụ việc mất trật tự, an ninh xảy ra tại cơ sở y tế, trong đó nổi lên những vụ người nhà hành hung nhân viên y tế, thậm chí đâm chết bác sĩ, bắt cóc trẻ sơ sinh...
Nhìn thực trạng từ nhiều hướng, các chuyên gia nhận thấy có lỗi ở cả hai phía. Đó là những lúc tinh thần, thái độ của bác sĩ, nhân viên y tế chưa chuẩn mực, thiếu chuyên nghiệp…, từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn. Phía gia đình người bệnh cũng có vấn đề, thường là chưa nắm rõ quy trình khám chữa bệnh của cơ sở y tế; thiếu kiểm soát cảm xúc trong điều kiện thầy thuốc thường xuyên bị sức ép. Phần lớn các vụ hành hung diễn ra trong khi bệnh nhân đang được cấp cứu cho thấy điều đó.
Ẩu đả, hành hung là hình ảnh không đẹp, nó lại càng xấu xí hơn khi xuất hiện trong bệnh viện vốn là môi trường của yêu thương. Vì vậy, ngành y tế không thể không tăng cường chế tài xử phạt các hành vi phương hại đến thầy thuốc; tiếp tục phối hợp với liên ngành, nhất là ngành công an, để lập kế hoạch bảo vệ BV hiệu quả nhất… Và đặc biệt, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm: “Càng tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh bao nhiêu càng nhận lại sự tôn trọng bấy nhiêu”. Quả thật, “nâng cao chất lượng dịch vụ” cùng với tinh thần công khai, minh bạch mới là liều thuốc hữu hiệu giúp trấn an, xoa dịu bệnh nhân và người nhà trong thời điểm sinh tử!
Xưa nay, thầy giáo và thầy thuốc là những người luôn được xã hội tôn trọng và biết ơn. Hành hung thầy thuốc không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tự bôi xóa nét đạo lý vốn có ở mỗi người. Ngược lại, các thầy thuốc cũng chỉ có thể tạo dựng và giữ gìn hình ảnh của mình bằng chính tài năng, trách nhiệm và sự tôn trọng người bệnh.
Bình luận (0)