Nếu để ý sẽ thấy trong nhiều quảng cáo sản phẩm trên truyền hình có nội dung khuyến khích các bậc cha mẹ chiều chuộng con cái quá đáng. Cụ thể, nếu trẻ lỡ làm bẩn áo quần, thay vì nhắc nhở chúng sau này cẩn thận hơn thì người mẹ cười tươi như hoa, bảo con cứ thoải mái vì đã có bột giặt lo. Hay một bé gái, sáng phụng phịu chẳng muốn đến trường sẽ được mẹ “hối lộ” bằng một thanh phô mai. Rất nhiều gia đình Việt Nam đang giáo dục con kiểu như vậy. Để rồi, dần dà, họ lớn lên trong tâm thế muốn gì được đó và những ham muốn ấy hầu như không có giới hạn.
Ngày trước, để dễ bề thực hiện chính sách đô hộ, Pháp cho sử dụng thả cửa thuốc phiện, rượu... nhằm làm băng hoại giới trẻ Việt Nam. Ngày nay, thật đáng lo khi giới trẻ tự tìm tới, tự thiêu đốt chính mình với sự tiếp sức của người lớn. Bởi lẽ, tiền đâu để họ chạy theo những thú vui tốn kém như khoe của, hút shisha, xăm mình, chơi thú “độc”... nếu không phải được cung phụng từ gia đình?
Tuổi trẻ là tuổi học hỏi và tích lũy. Nhưng thay vì tích lũy kiến thức, kỹ năng sống tự lập, họ lại “tầm gửi” vào cha mẹ và tích lũy toàn chất độc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những thú chơi thời thượng nói trên không chỉ làm mất thời gian học hành, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm thui chột nhận thức của con người về chân, thiện, mỹ. Chưa kể, lối sống hưởng thụ, chạy theo những giá trị phù du sẽ dễ đẩy người ta đến thói ích kỷ, tự mãn, cho mình là nhất, là trung tâm. Khi bước ra đời, chỉ một cái nhìn, một câu nói sốc cũng dẫn đến án mạng; một lần bị phụ tình, từ chối cũng có thể dẫn đến tự tử hoặc ghen cuồng.
So với thế hệ cha ông, thanh niên bây giờ giỏi hơn rất nhiều trong tiếp nhận cái mới nhưng đáng buồn thay, những cái giỏi giang và lành mạnh đang lép vế trước lối sống xa hoa, hưởng lạc. Những công cụ quản lý Nhà nước sẽ không có ý nghĩa nếu các bậc cha mẹ cứ nuôi dạy con mình thành những “nhân vật trung tâm của vũ trụ”, để rồi hôm nay khen tụng con giỏi, ngày mai lại than thở “con cái chúng ta thật nông nổi!”...
Bình luận (0)