Dẫu vậy, chính vị này cũng đã tự viết nên một “truyện ngắn” hiện thực phê phán đặc sắc khi cầm gậy chơi golf quất lên đầu caddie (nhân viên phục vụ) Trương Tiến Công ở sân golf Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) hôm 15-9, đến nỗi người này phải nhập viện.
Ông Sơn trần tình: “Việc dùng gậy golf gõ lên đầu anh Công chỉ với ý định đùa, kiểu như... dạy trẻ con, không ngờ lại nặng thế…”. Cú “gõ” này có thể nói không chỉ lên đầu anh caddie tội nghiệp mà cũng là cú tự gõ vào đầu mình của “đại gia” này, có khi còn “đau” hơn cái đau mà anh Công phải chịu. Hình như ông Sơn không đọc báo nên không rút được kinh nghiệm gì khi nổi hứng “gõ” vào đầu anh Công.
Nhắc lại để ông Sơn biết rằng cách đây hơn 1 năm, 1 “đại gia” chơi golf cũng “lẫy lừng” không kém là ông Trần Hải Lê (chuyên viên Văn phòng Quốc hội), sau cú đánh golf hỏng đã cay cú đạp thẳng vào người một caddie nữ làm cô này phải nhập viện. Cú đạp ấy khiến ông Lê bị xã hội lên án nặng nề.
Ông Sơn là một cán bộ lãnh đạo, có hiểu biết pháp luật nhưng tại sao lại ứng xử như vậy tại nơi công cộng? Dư luận có quyền nghi ngờ đạo đức, tư cách của ông Sơn cũng như đặt nghi vấn: Vậy với cương vị lãnh đạo, ông muốn “gõ” vào cán bộ, nhân viên nào dưới quyền cũng được sao?
Chơi thể thao cũng phải có văn hóa. Một cú phạm lỗi trong bóng đá, cầu thủ vi phạm cũng phải có hành động biết lỗi. Trong môn quần vợt, một cú đánh bóng trúng người đối phương, người chơi cũng phải ra hiệu xin lỗi. Trong golf - môn thể thao quý tộc - lại càng đòi hỏi ứng xử có văn hóa. Ông Sơn thiếu cách ứng xử đó có lẽ vì quá thị vào đồng tiền.
Được biết mỗi năm, một người chơi golf tốn ít nhất hơn 200 triệu đồng, đó là chưa tính phí hội viên. Do vậy, việc đền bù vài triệu bạc phải chăng là chuyện quá nhỏ với một “đại gia” nhà đất? Tuy nhiên, có cái ông Sơn không thể dùng tiền để khỏa lấp được, đó là ánh mắt và những lời bình của dư luận nhắm vào ông như một kẻ trọc phú rỗng tuếch.
Đáng buồn thay!
Bình luận (0)