Những vụ án kinh hoàng như vậy không mang “khuôn mặt tình yêu”, nó mang gương mặt của quỷ dữ, xã hội cần lên án mạnh mẽ, pháp luật cần xử nghiêm, phải loại bỏ những khuôn mặt quỷ dữ ấy ra khỏi đời sống xã hội.
Hiện tượng xã hội này đã từng và sẽ còn làm khổ các bạn trẻ, khổ lây cho cả gia đình.
Tình yêu là một món quà tuyệt vời nhất và chỉ có con người mới được diễm phúc tận hưởng nó. Muốn tận hưởng, người trong cuộc thường phải trải qua đau khổ, đắng cay, vượt qua nghịch cảnh, biết chinh phục, tôn trọng nhau, chứ không phải muốn là được.
Lý giải về hiện tượng yêu cuồng là một vấn đề mà các nhà xã hội học nên làm. Điều đáng nói là các bạn trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống thực tiễn; trường học có dạy môn đạo đức, giáo dục công dân nhưng đó là những kiến thức ôm đồm, thiếu thực tế.
Cách đây không lâu, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện một cuộc khảo sát trực tiếp ở 15 tỉnh, thành về việc dạy đạo đức, giáo dục công dân và kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cho học sinh để nhận diện thực tế nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Kết quả cho thấy ở bậc tiểu học, các em chỉ học 1 tiết/tuần; môn giáo dục công dân chỉ chiếm 3,4% - 3,7% thời lượng các môn học ở bậc THCS. Ở bậc THPT, học sinh lớp 11, 12 không học môn đạo đức, chỉ có ở lớp 10 (29 tiết/năm) nhưng rất nặng nề về kiến thức trừu tượng, hàn lâm, thiếu hẳn những kỹ năng cơ bản để học sinh ứng xử đúng với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Ngay cả chuyện tình yêu cũng phải dạy cho các em biết ứng xử với những cung bậc đa chiều của nó. Tại sao với học sinh cấp 3 không có một chuyên đề về tình yêu chẳng hạn ở môn đạo đức?
Yêu cũng phải học, học để biết yêu và cũng có thể hạn chế được những cái chết đau lòng vì yêu cuồng. Đó cũng là học cách làm người.
Bình luận (0)