Vụ cháy tòa tháp đôi EVN là vụ cháy nhà cao tầng mới nhất trong hàng loạt vụ bà hỏa viếng thăm các tòa cao ốc thời gian qua. Khi mà các đô thị lớn nước ta thi nhau mọc lên các cao ốc chọc trời thì các nỗi lo hỏa hoạn tại những nơi này cũng gia tăng.
Nhìn vào vụ tòa tháp đôi EVN cũng như những vụ hỏa hoạn tại các tòa cao ốc trước đó, có thể thấy cảnh tượng khá giống nhau. Đó là sự yếu thế của lực lượng PCCC. Chưa nói tới sự thuần thục, tính chuyên nghiệp mà nhìn vào trang thiết bị đã thấy rõ sự bất cập. Trong khi đã có rất nhiều tòa cao ốc cao 20-30 tầng, không ít tòa 30-40 tầng và cao nhất tới 72 tầng thì xe thang cao nhất nước cũng chỉ với tối đa tới độ cao 52 m, tức khoảng tầng 15 đổ lại. Cháy cao hơn thì chỉ biết trông chờ vào chữa cháy tại chỗ hoặc phó mặc cho may rủi mà thôi.
Từ vụ cháy tòa nhà ITC ở TPHCM ngày 29-10-2002 làm hơn 60 người thiệt mạng đến vụ hỏa hoạn tại tòa tháp đôi EVN đều thấy khá rõ một điều: Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng PCCC và giặc lửa. Hàng loạt phân tích, bài học đã được rút ra sau vụ hỏa hoạn tòa nhà ITC được cho là lời cảnh báo vô cùng đắt giá về PCCC tại các tòa cao ốc đang mọc lên như nấm khắp nước. Thế nhưng, biết bao vụ hỏa hoạn cao ốc đã xảy ra song đến nay tương quan lực lượng giữa PCCC và giặc lửa vẫn quá chênh lệch.
Cuộc chiến này còn không cân sức đến bao giờ? Trang bị, huấn luyện, duy trì một lực lượng PCCC đủ khả năng đương đầu với vụ hỏa hoạn tại tòa nhà cao nhất nước có thể rất tốn kém. Song, không phải vì thế mà không bắt tay vào triển khai, ví như trang bị trực thăng PCCC như đề xuất của người đứng đầu UBND TP Hà Nội một ngày sau vụ cháy tòa tháp đôi EVN. Bởi, rất có thể sẽ phải trả cái giá còn đắt hơn gấp bội nếu để cuộc chiến giữa PCCC và giặc lửa tiếp tục không cân sức như hiện nay.
Bình luận (0)