Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đầu năm đến nay, hạn hán và thiếu nước đã liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, khu vực Bắc Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không có mưa nên tình hình hạn hán rất khốc liệt.
Vẫn biết nắng mưa là chuyện của... trời. Song không chỉ ông trời mà chính con người có thể hoặc gia tăng hay giảm bớt mức độ tàn khốc của thiên tai. Trong cuộc họp khẩn tại một trong những nơi đang chịu hạn hán nặng nề nhất, đại diện chính quyền địa phương đã phải lên tiếng phản đối gay gắt cách thức “chống hạn” của ông phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Sở dĩ như vậy là vì vị quan chức ngành điện này chỉ muốn các hồ thủy điện ở miền Trung tập trung xả nước từ ngày 15 đến 30-5 tới, với lý do “để phục vụ vụ hè thu”. Trong khi đó, một số tỉnh miền Trung đang phải chịu cảnh khô khát hiếm thấy, đến nước sinh hoạt cũng thiếu nghiêm trọng. Bởi thế, nếu cứ vì lợi ích của thủy điện là chính, rồi mới đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt thì không hiểu cuộc sống của rất nhiều người dân sẽ ra sao. Tất nhiên, các hồ thủy điện ở miền Trung cũng đang rất thiếu nước song không vì thế mà không nghĩ đến nhu cầu bức thiết của người dân, đó là nước sinh hoạt hằng ngày.
Thủy điện, bên cạnh việc sản xuất điện cũng có nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là điều tiết nước để cắt lũ vào mùa mưa và xả nước chống hạn vào mùa khô. Thế nhưng, trên thực tế, các thủy điện luôn lo cho lợi ích của mình trước hết, rồi mới tính đến lợi ích của người dân hay sản xuất nông nghiệp. Trường hợp thủy điện Sông Ba Hạ ở miền Trung xả lũ sai quy trình gây thiệt hại nặng cho người dân hạ du vào cuối năm 2010 là một minh chứng.
Bình luận (0)