Không chỉ “đánh” vào “nồi cơm” của người lao động khó khăn, tính khả thi của việc kiểm tra, kiểm soát xe máy nào đủ, xe nào không đủ tiêu chuẩn khí thải cũng là một vấn đề nan giải. Rõ ràng các trung tâm đăng kiểm, kiểm định hiện nay không thể kiểm định được phần nhỏ chứ chưa nói là tất cả những chiếc xe máy cũ vốn chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng số 35 triệu chiếc xe máy đang lưu hành. Vậy, cần bao nhiêu và lấy đâu ra cho đủ số cơ sở để kiểm định hàng chục triệu chiếc xe máy? Và, nếu chưa đủ khả năng kiểm định thì đặt ra việc kiểm soát lưu hành xe máy cũ liệu có khả thi?
Đề án kiểm soát khí thải xe máy khiến dư luận không khỏi liên tưởng tới những chính sách, quy định của cơ quan công quyền làm khó người dân hoặc thiếu tính khả thi hay vừa làm khó dân lại vừa thiếu tính khả thi. Thậm chí, có những chính sách và quy định còn vi phạm các quyền cơ bản của người dân quy định trong Hiến pháp hay các bộ luật. Ví như quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, ghi tên cha mẹ lên chứng minh nhân dân… hay mới nhất và đang khiến người dân bức xúc là chuyện cảnh sát giao thông xử phạt “xe không chính chủ”.
Việc các cơ quan công quyền với quyền lực của mình ra các chính sách, văn bản, quy định làm khó người dân, thậm chí không hợp hiến, hợp pháp là một thực tế gây nhiều bức xúc. Chính vì thế, khi thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng cần có quy định rõ về cơ quan bảo vệ Hiến pháp, quyền công dân; đề nghị thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp để giúp Quốc hội xem xét, kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương ban hành.
Trong khi chờ đợi một cơ quan như vậy, rất cần “tuýt còi” ngay những văn bản pháp luật, quy định đang làm khó, khiến người dân bất bình.
Bình luận (0)