Không chỉ vậy, trường này cũng lập 2 “kỷ lục” khác, một là, chuyện cô giáo giữ học sinh không cho về nếu phụ huynh không chịu ký vào biên bản thỏa thuận “đóng góp tự nguyện”; hai là, do chủ trương lạm thu, bà hiệu trưởng trường này đã bị đình chỉ công tác!
Những chuyện như vậy chưa có tiền lệ trong nền giáo dục nước ta dù trong nhiều năm qua, tình trạng lạm thu diễn biến khôn lường. Trước thềm năm học mới, đề phòng tình hình lạm thu diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã có chỉ đạo cụ thể để phòng chống lạm thu. Tuy nhiên, như căn bệnh mãn tính, lạm thu cứ hoành hành, bất chấp các loại “thuốc đặc trị”.
Lạm thu vẫn diễn ra khắp nơi, không chỉ ở những thành phố lớn mà cả những tỉnh nghèo như Quảng Bình. Theo báo cáo của Ủy Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Bình, các trường ở tỉnh này có hơn 30 khoản thu khác nhau! Thậm chí, ở một huyện miền núi nghèo như Minh Hóa cũng có đến 12 khoản thu, buộc chính quyền địa phương thu hồi số tiền thu sai trả lại cho phụ huynh!
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc phụ huynh phải chạy theo một số nhóm phụ huynh và hội phụ huynh lớp để đóng các khoản thu đầu năm cũng giống như tình trạng hùn tiền đưa hối lộ! Ông kêu gọi phụ huynh hãy mạnh dạn đấu tranh với tình trạng này để ngăn ngừa tình trạng lạm thu biến tướng.
Năm học mới khai giảng gần 10 ngày nhưng tình hình lạm thu đã diễn biến phức tạp. Có thể trong thời gian tới, tình hình sẽ còn phức tạp hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao bấy lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cương quyết chống lạm thu với rất nhiều biện pháp nhưng vẫn không thành công. Tại ngân sách giáo dục thấp? Vô lý, khi mà ngành giáo dục hưởng đến 20% GDP mỗi năm. Hay do các trường chạy theo thành tích, cần tiền để trang trải các hoạt động? Hoàn toàn có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi về tình trạng này để tìm lời giải nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu.
Khái niệm “xã hội hóa giáo dục” từ lâu đã bị hiểu sai. Người dân sẵn sàng đóng góp cho giáo dục nhưng phải là những khoản đóng góp hợp lý, minh bạch và công khai. Trong khi nhiều nước trên thế giới, ở bậc phổ thông, đa số được miễn học phí thì nước ta chủ trương phổ cập đến bậc THCS nhưng vẫn thu học phí và tăng học phí, bắt phụ huynh đóng góp nhiều khoản vô lý, làm sao không có phản ứng theo cách của phụ huynh ở Trường Mầm non Tương Giang 2?
Bình luận (0)