Đến khi có kết quả xét nghiệm mẫu rượu là “thủ phạm” gây ra cái chết của 6 người ở tỉnh Quảng Ninh thì họ lại càng giật mình hơn.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các mẫu rượu này có hàm lượng methanol cao gấp từ hơn 1.600 đến hơn 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép. Không những thế, kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm rượu khác của cơ sở sản xuất - Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, địa chỉ tại quận Long Biên, TP Hà Nội - cũng cho thấy hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép.
Rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép tới hàng ngàn lần như vậy thì có khác gì rượu độc? Vấn đề đặt ra là vì sao rượu độc đến vậy vẫn đàng hoàng đóng vào can, chai, dán nhãn mác của một doanh nghiệp có tên tuổi cùng địa chỉ rõ ràng? Rượu độc chết người sao vẫn ung dung lọt qua các khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất cũng như các cơ quan quản lý?...
Việc có tới 6 người chết vì cùng một loại rượu - “Rượu nếp 29 Hà Nội” - cũng khiến người ta phải bất bình với phản ứng của cơ quan hữu trách ở địa phương cũng như trung ương. Theo thông tin từ Quảng Ninh thì những người đầu tiên phải đi cấp cứu ngày 2-12 và tử vong sau đó 1 ngày vì uống “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Thế nhưng, trên chính địa bàn này còn có thêm 2 người tử vong cũng do uống cùng loại rượu trên vào ngày 7-12, tức là 5 ngày sau khi vụ ngộ độc đầu tiên được biết tới. Vì thế, dù có biện minh thế nào thì các cơ quan hữu trách cũng khó có thể chối bỏ trách nhiệm của mình khi để có thêm người thiệt mạng vì “Rượu nếp 29 Hà Nội”.
Vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng này đã được cơ quan điều tra khởi tố để làm rõ vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, có thể thấy lỗ hổng quá lớn dẫn tới vụ chết nhiều người này, nhất là của cơ quan quản lý các cấp. Ngộ độc rượu nói riêng, an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung là một vấn đề nhức nhối lâu nay ở nước ta. Quốc hội và người dân cả nước từng bức xúc trước thực trạng “một mâm cơm, nhiều bộ quản” song khi có vấn đề xảy ra thì chẳng ai chịu trách nhiệm.
Nếu các cơ quan hữu trách tiếp tục “vô can” trong vụ ngộ độc khiến 6 người thiệt mạng này thì không loại trừ còn tiếp tục xảy ra các vụ việc tương tự trong tương lai bởi vẫn còn đó lỗ hổng trách nhiệm chết người.
Bình luận (0)