Người ta thường nói “lương, lậu”, trong đó lương là phần được chi trả công khai, còn “lậu” hàm chỉ những khoản thu nhập có tính chất bất chính. Trong vụ lương “khủng” ở một số DN công ích TP HCM, không loại trừ phần “lậu” chẳng thua gì phần lương, tức là thu nhập thực tế của các quan chức còn cao hơn thế nữa. Cụ thể là bao nhiêu, chỉ có người trong cuộc mới biết; còn các dạng thức “lậu” thì rất phong phú, ai cũng biết, như: biếu xén, ăn chặn, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ chạy chức hay chạy dự án...
Người viết bài này vừa nhận 2 cuộc điện thoại của người thân, liên quan đến chuyện chạy việc. Một cuộc của cô cháu gái, than thở rằng mình tốt nghiệp ngành sư phạm lý cả năm rồi mà tìm không ra chỗ dạy, trong khi trường THPT ở huyện đang thiếu giáo viên lý. “Người ta” ra “giá” 200 triệu đồng cho suất đó...! Cuộc gọi khác từ một người thân ở quê, xin vào một ngân hàng của nhà nước ở địa phương và “người ta” cũng thẳng thừng ra “giá” 80 triệu đồng. Chợt liên tưởng đến nghi án chạy công chức 100 triệu đồng/suất ở Hà Nội rộ lên cách đây không lâu và tự giải đáp rằng: À, thì ra ở nước ta, không ai có thể sống được bằng đồng lương nhưng rất nhiều người đã dùng mọi cách chen chân vào bộ máy nhà nước, trở thành cán bộ công chức (CBCC) là vì thế! Cán bộ là công bộc của dân nhưng một bộ phận không nhỏ giàu lên bất thường trong khi đời sống của đại đa số người dân còn rất chật vật. Như vậy, cán bộ làm giàu chủ yếu từ thu nhập ngoài luồng.
Củng cố thêm điều đó, hồi đầu năm 2013, nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ đã công bố số liệu từ cuộc khảo sát mức thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, 79% CBCC có thu nhập ngoài lương.
Chủ trương minh bạch tài sản của CBCC đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng chỉ dừng lại ở khâu tự kê khai là chính, còn cơ chế hậu kiểm và xử lý những khoản thu nhập có dấu hiệu bất minh thì không có. Khai thì ai cũng khai, còn khai đúng hay sai, nhiều hay ít, chẳng cơ quan nào kiểm soát được. Cách làm hình thức này không chỉ không triệt được tham nhũng tận gốc mà còn tạo điều kiện cho quan tham núp bóng, được dịp là vơ vét. “Trống làng ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng” là vậy...
Thế nên, kiểm soát thu nhập, tài sản của CBCC, nhất là những người có chức quyền, không thể dừng lại ở nghĩa vụ kê khai, giải trình mà cần phải sớm được luật hóa.
Bình luận (0)