Điều đáng lo ngại đầu tiên là mức độ cực kỳ nguy hiểm của chủng virus cúm H7N9. Theo ghi nhận tại nơi khởi phát dịch là Trung Quốc thì có tới 2 trong số 7 ca mắc cúm H7N9 tử vong, trường hợp còn lại vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tỉ lệ tử vong cùng mức độ nguy hiểm của loại virus cúm gia cầm này làm liên tưởng tới dịch cúm A/H5N1 từng hoành hành ở nước ta. Theo Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay đã ghi nhận 61 ca tử vong ở 41 tỉnh, thành trong tổng số 123 trường hợp mắc cúm A/H5N1.
Những hiểm họa từ gà nhập lậu Trung Quốc không phải đến lúc này mới thấy. Trên diễn đàn Quốc hội tháng 11-2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra 5 tác hại của gà nhập lậu phải kiên quyết xử lý: thất thu thuế, thất thoát ngoại tệ, gây khó khăn tiêu thụ gà trong nước, có hại với sức khỏe người dân và mang virus cúm lây sang gà nội địa. Từ nhìn nhận này, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung hành động nhằm hướng tới mục tiêu “ngăn chặn cơ bản” gà nhập lậu sau 1 năm.
Nửa năm nhìn lại, có thể thấy việc nhập lậu này đã được hạn chế đáng kể so với trước đây song thật khó để khẳng định đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm mục tiêu “ngăn chặn cơ bản” gà nhập lậu. Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi của Bộ NN-PTNT ngày 3-4 cho biết mỗi ngày vẫn có tới 3-5 tấn gà thải, loại nhập lậu về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ lớn nhất Hà Nội. Trong khi đó, thỉnh thoảng lại còn bắt được cả xe tải chở hàng tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Việc nhập lậu gà mang lại siêu lợi nhuận bởi theo chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, giá mỗi ký gà lậu mua ở Trung Quốc chỉ khoảng 10.000 đồng song về chợ Hà Vĩ đã lên tới 70.000-80.000 đồng. Lợi nhuận này, theo vị lãnh đạo đơn vị QLTT Hà Nội, chỉ “sau buôn ma túy”.
Tác hại “cái chết trắng” của ma túy thì ai cũng đã rõ. Từ dịch cúm A/H5N1 đến mối họa cúm H7N9 lơ lửng lúc này cùng bao tác hại khác, gà nhập lậu xem ra cũng mang lại hiểm họa khôn lường. Phòng chống gà lậu, vì thế, cần phải quyết liệt như phòng chống một mối họa bậc nhất.
Bình luận (0)