Ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD/năm đã lên đến con số 9 (ngoài dầu thô) và sẽ còn tiếp tục mở rộng trong những năm tháng sắp tới.
Bên cạnh những thông tin phấn khởi đó, điều làm cho mọi người không yên tâm khi nhìn vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta bị các nước Nhật, Mỹ, Liên bang Nga... từ chối vì dư lượng kháng sinh, nhiễm độc hóa chất, tạp chất, vi phạm về nhãn hiệu, bao bì xảy ra liên tục trong nhiều tháng qua. Riêng Mỹ, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) công bố danh sách và mặt hàng bị cấm nhập vào thị trường nước này từ tháng 1- 2007 đến tháng 6-2007 tất cả là 245 lô hàng, trong đó liên tiếp tháng 3, 4, 5 có đến 160 lô bị trả trở về hay thiêu hủy tại chỗ, và sang tháng 6 vẫn còn đến 35 lô. Hàng thủy hải sản sang Nhật, Liên bang Nga cũng gặp những “sự cố” tương tự đến mức đại sứ Nhật Hattori Norio gửi thư cảnh báo. Thanh tra Liên bang Nga phải sang tận nước ta để điều tra thực tế trước khi mở cửa lại thị trường.
Động thái này cho thấy, khi “vươn ra” được biển lớn chúng ta vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng. Thị trường tiêu thụ hàng hóa của nước ta đã mở rộng nhưng ngược lại càng tăng số lượng nhanh bao nhiêu thì vấp phải cách làm ăn nhỏ, chụp giựt nhiều bấy nhiêu. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Câu châm ngôn này rất phù hợp với thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay. Trong nhiều năm qua, kể từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã phải dồn biết bao công sức để gia nhập WTO, xây dựng sự tin cậy của thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế nhưng những lô hàng nhiễm kháng sinh,phân bón, thuốc trừ sâu, tạp chất vừa qua... đã làm cho người tiêu dùng ở các nước ngày càng nghi ngờ, đi đến tẩy chay hoặc cấm tiệt như hàng hóa của Trung Quốc, nếu tình hình này không được quan tâm và giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt tức thời.
Lấy cớ này, hàng xuất khẩu của VN vốn chỉ lấy công làm lời càng bị thương nhân nước ngoài ép giá hơn nữa. Người gặp khốn khó, thua thiệt đầu tiên sẽ là nông dân, ngư dân đang nuôi trồng, đánh bắt, công nhân trong các nhà máy chế biến thủy hải sản, thực phẩm nếu không nói là toàn ngành chế biến thủy hải sản VN sẽ lao đao, khủng hoảng.
Mong rằng hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ không xảy ra trên sân chơi đầy thử thách này.
Bình luận (0)