Còn rất nhiều vụ như vậy nữa xảy ra gần đây, cho thấy có khoảng trống rất lớn về năng lực và trách nhiệm của nhiều cán bộ lãnh đạo.
Sáng sớm 12-6, đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vỡ, dòng nước khổng lồ ập về xuôi, dân xã Ia Dom chạy tan tác, nhiều người thoát chết nhờ kịp... leo lên các ngọn cây, còn tài sản thì bị nước cuốn sạch.
Khi tỉnh nghe tin, cử đoàn cán bộ xuống thì chính quyền huyện Đức Cơ mới biết có vụ vỡ đập. Về nguyên nhân vỡ đập, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai (chuyên trách quản lý) không nắm sự việc song một sở khác của tỉnh này khẳng định đập thủy điện Ia Krêl 2 đã được thi công rất ẩu, sai với thiết kế nên mới xảy ra thảm họa.
Trong khi một bộ phận cán bộ hữu quan tỉnh Gia Lai “đi trên mây” thì có quan chức của đơn vị chuyên trách phòng chống mại dâm thuộc Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dường như chỉ nắm thực tế từ... phòng máy lạnh.
Một gái bán hoa chờ khách ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: Trọng Đức
Tại buổi tọa đàm về phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi hôm 13-6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng Phòng Chính sách phòng chống mại dâm - Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định không phát hiện mại dâm.
“Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định không có chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn” - ông Dũng đoan chắc.
Phát biểu của ông Phạm Ngọc Dũng ngay lập tức bị phản đối, bị cho là ngô nghê, xa rời thực tế. Nói Đồ Sơn không có mại dâm chẳng khác nào cho rằng biển không có cát! Điểm du lịch này từ lâu đã có tiếng với câu thơ Bút Tre (cải biên) “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn...”. Quất Lâm cũng vậy. Ai cũng biết, chỉ có... một người không biết và người này lại là lãnh đạo chuyên trách lĩnh vực ấy!
Phố "đèn đỏ" ở Quất Lâm, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trọng Đức
Vậy mới thấy có không ít quan chức làm việc hết sức lan man, quan liêu, thậm chí vô cảm. Thế nên, rất dễ hiểu vì sao những chuyện như trên thường xuyên xảy ra. Bị động, thiếu thông tin từ địa bàn quản lý, đến khi xảy ra chuyện mới hay và đi kiểm tra; chưa kiểm tra mà đã thông báo trước. Khi trống giong cờ mở vào cuộc thì kết quả là... chẳng phát hiện được gì. Hậu quả, người dân lãnh đủ còn tệ nạn, tai ương thì cứ tồn tại nhơn nhơn, dai dẳng.
Cán bộ làm việc và ăn lương ngân sách nhưng cứ thi hành phận sự kiểu này thì thật bất hạnh cho dân và xót cho túi tiền nhà nước.
Bình luận (0)