Có thể có “các nghĩa vụ thay thế” như đóng tiền để thay cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đó là vấn đề đang gây chú ý, tạo những luồng ý kiến khác nhau trong dư luận và ngay tại nghị trường.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc là một nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Điều đó được khẳng định trong Hiến pháp hiện hành. Đã là “nghĩa vụ thiêng liêng” và “quyền cao quý” thì làm sao có thể dùng tiền để thay thế được? Hay như suy nghĩ của nhiều người rằng “là xương máu thì không thể nói đến thay thế bằng tiền được”.
Thế nhưng, thực tế hiện nay ở nước ta, số người đi bộ đội hằng năm chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số những người đủ tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo như Trung tướng Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, hằng năm số người thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số người đủ tiêu chuẩn. Như vậy, có tới 95% số người đủ tiêu chuẩn đã không thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khi theo quy định hiện hành, những người này không phải thực hiện một nghĩa vụ thay thế nào. Bởi thế, có thể xem đây là một sự thiếu công bằng mà hiện chưa có giải pháp khả thi.
Đã có những ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để nhiều người có thể thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Nhưng các nhà quân sự đã tính toán rằng để một người lính có thể thành thạo các kỹ năng, sẵn sàng các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cần thời gian nhất định tùy theo binh chủng phục vụ. Nói cách khác, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện nay khó có thể rút ngắn hơn bởi ảnh hưởng tới chất lượng quân đội.
Trong thời gian qua, cũng có không ít dư luận về những tiêu cực trong quá trình tuyển nghĩa vụ quân sự. Bởi thế, khi đặt vấn đề thực hiện các nghĩa vụ thay thế, trong đó có đóng tiền, đã dấy lên không ít quan ngại. Nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện “đóng tiền thay cho đi bộ đội” thì chỉ toàn con em nhà nghèo đi nghĩa vụ quân sự, còn con nhà giàu thì không.
Chính vì thế, dù thực tế đang có tới 95% số người đủ tiêu chuẩn không thực hiện nghĩa vụ quân sự song làm thế nào để bảo đảm công bằng lại không phải là vấn đề dễ giải quyết. Song dù khó thì các nhà hoạch định chính sách, quản lý vẫn phải sớm tìm ra giải pháp sao cho các công dân đều có thể thực hiện nghĩa vụ của mình với Tổ quốc một cách công bằng.
Bình luận (0)