Cơ quan chức năng ở Quảng Bình đã khẳng định rằng đó là những tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, nhưng hiệu ứng tin đồn hết sức tai hại, làm nông dân không bán được dưa, người chăn nuôi thiệt hại lớn. Dưa hấu ở Quảng Bình chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí bán không ai mua, trong khi những người buôn bán thiếu đạo đức rao bán “dưa hấu sạch” nói là đưa từ tỉnh khác về bán với giá hơn 6.000/kg mà thực chất cũng chính là dưa hấu trồng ở Quảng Bình!
Giữa năm 2010, người trồng dưa hấu ở huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An cũng điêu đứng vì tin đồn có 4 người ăn dưa hấu bị tử vong! Giá dưa hấu lúc đó từ 4.000-6.000 đồng/kg rớt giá thảm hại, chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg. Đó thực chất là chiêu “đè giá” của những thương lái thiếu đạo đức.
Hiệu ứng tin đồn rất nguy hiểm cho xã hội, dù có thể nhiều người biết rằng đó là tin đồn nhảm nhí nhưng tâm lý đám đông luôn có tác động đến những đám đông khác và cứ thế tiếp tục lan truyền một cách vô căn cứ.
Tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị bệnh ung thư được lan truyền cách đây mấy tháng ở Đồng Tháp, dù các cơ quan chức năng khẳng định rằng cấu trúc di truyền của cá rô đầu vuông không khác gì cá rô đồng, nhưng cá rô đầu vuông vẫn bị “đè giá” trên thị trường! Còn tin đồn ăn cá kèo bị bệnh ung thư rộ lên ở Cà Mau, Bạc Liêu hồi cuối năm 2010, nhanh chóng lan truyền ra các tỉnh khác, làm người nuôi cá kèo điêu đứng.
Những tin đồn nhảm nêu trên thực chất là những chiêu “đè giá” hết sức nguy hiểm của những thương lái bất lương – không thể gọi khác được. Họ chỉ muốn cái lợi thuộc về mình, còn cái hại của người sản xuất ra sao mặc kệ. Các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí cần vạch rõ bản chất của những tin đồn nhảm nhí này để bảo vệ quyền lợi nông dân.
Câu chuyện đồn nhảm rằng ăn bưởi gây ung thư năm nào, làm người trồng bưởi ở đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn, là một bài học về thông tin. Thông tin ăn bưởi gây ung thư có nguồn gốc từ BBC News và trên báo Daily Mail (Anh). Bản tin viết rằng phụ nữ ăn bưởi có nguy cơ ung thư vú cao, dựa vào khảo sát hơn 46.000 phụ nữ sau mãn kinh của hai trường ĐH Nam California và Hawaii.
Một tờ báo trong nước đã nhanh nhảu đưa tin này mà không biết rằng đối tượng nghiên cứu là bưởi chùm trồng ở một số nước ở Nam Mỹ, chứ không liên quan và khác hẳn với bưởi Việt Nam! Nghiên cứu này không đáng tin cậy, giá trị khoa học thấp. Việc xử lý thông tin này với các cơ quan chức năng khá chậm, làm người trồng bưởi ở miền Tây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng! Đây không chỉ là bài học lớn của cơ quan truyền thông mà còn của các cơ quan chức năng phản ứng quá chậm trước thông tin này, để cuối cùng thành một tin đồn vô cùng tai hại.
Việc định hướng dư luận trước các tin đồn độc ác, gây tác hại lớn cho xã hội cần phải được làm tốt hơn, xử lý nhanh chóng trên cơ sở khoa học. Đặc biệt phải ngăn chặn từ nguồn những nơi phát tán tin đồn nhảm nhí, thậm chí có thể đưa họ ra tòa, nếu đủ chứng cứ.
Bình luận (0)