Theo đề tài này (do cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm), có tới 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương. Kết quả này có được trên cơ sở khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện trong năm 2012 với gần 2.000 cán bộ, công chức ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành. Có 20% số người được hỏi ý kiến nói không có và 1% nói khó trả lời.
Cũng theo khảo sát, đại đa số với 82,7% số người được hỏi nói khoản thu nhập ngoài lương thấp hơn 50% lương; 11,1% bằng 50%-100% tiền lương; 2,1% có thu nhập ngoài lương cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương...; cá biệt có 0,2% nói cao từ 5-10 lần tiền lương và 0,2% khác nói cao hơn 10 lần tiền lương.
Đa số cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương hay nói cách khác là ít người chỉ sống bằng lương. Lương thấp, lương chưa đủ sống là những lý do chính được đưa ra để biện minh hay là “động lực” để cán bộ, công chức tìm cách có khoản thu nhập thêm ngoài lương. Và chính “cuộc đua làm thêm” để có thu nhập ngoài lương đã dẫn tới những hệ luỵ và cả tai tiếng cho bộ máy công quyền.
Những việc “làm thêm” của cán bộ, công chức có liên quan gì tới những kêu ca, phàn nàn về nạn nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng? Không dễ trả lời câu hỏi này cũng như câu hỏi làm thế nào để kiểm soát, minh bạch thu nhập, tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn trong bối cảnh việc chi tiêu tiền mặt còn phổ biến, việc kê khai tài sản còn hình thức... và nhất là chưa có công cụ thật sự hiệu năng để kiểm tra, giám sát thu nhập, tài sản...?
Bình luận (0)