Gần đây là vụ lật xe khách làm 12 người thương vong khi đang trên đường về quê đón Tết. Nguyên nhân ban đầu nghi ngờ tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe, mất tập trung, không làm chủ được tay lái. Một cuộc điện thoại có đáng phải bắt mấy chục người khác mạo hiểm cả tính mang?
Mỗi năm, cả nước có hơn 7.000 người chết vì tai nạn giao thông và hàng vạn người khác phải mang thương tật suốt đời. Nhất là vào dịp lễ, Tết tai nạn càng thảm khốc. Khủng khiếp thế nhưng tai nạn mỗi ngày cứ đến và bao kẻ xem thường mạng người khác vẫn không "tỉnh" nổi. Chạy xe cao tốc mà cứ lướt điện thoại thì không xảy ra tai nạn mới lạ. Tài xế cẩu thả một, chủ xe cẩu thả mười. Lúc nào cũng có mặt trên xe nhưng chẳng thấy nhắc nhở gì. Chỉ mỗi đón khách, thu tiền, vi vu lướt web, buồn chán thì ngủ khì để mặc tài xế như hung thần xa lộ phóng vun vút. Gặp CSGT còn đỡ, vắng họ là nhấn ga lên cả trăm cây số/giờ, hành khách tái mặt cũng chịu trận phó thác số mệnh cho… bác tài.
Đường thì xa vời vợi, trên xe chỉ một tài xế và 1 phụ xe. Mỗi ngày trừ giờ ăn cơm, tài xế chạy liên tục hơn 10 tiếng bảo sao không nguy hiểm. Không ai có thể còn tập trung với thời gian lái xe dài như vậy. Tối đến tài xế nghỉ chút ít đưa phụ xe vào chạy rồi tiếp tục đạp ga cho đến sáng. Vừa đến bến nghỉ ngơi chút đỉnh lại quay xe vào tua.
Vụ tai nạn tại Đà Nẵng vào ngày 12-2 làm nhiều người thương vong. Ảnh: BÍCH VÂN
Một cảnh báo khác của cơ quan chức năng: rất nhiều tài xế, nhất là tài xế lái xe đường dài, nghiện ma túy. Không như uống rượu, CSGT dễ dàng kiểm tra đo độ cồn để ngăn chặn. Nghiện ma túy thì đành chịu vì chẳng thể kiểm tra nhanh và biểu hiện cũng khó thấy. Phê vào rồi chạy như trên mây thì gây họa chỉ trong tích tắc. Khốn nỗi, đã lên xe rồi thì giao mạng cho nhà xe, chẳng thể nào can thiệp được. Đòi xuống xe thì mất tiền mà cũng khó đón được chuyến xe khác về quê.
Lỗi của tài xế, nhà xe đã đành nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì sao? Xe chạy quá tốc độ đùng đùng trên đường chứ nào phải lén lút mà không thấy, không biết. Khi thấy thì phạt tiền xong cho đi thì có tác dụng gì? Đó là tính mạng của bao con người chứ nào phải chỉ là một hành vi vi phạm Luật Giao thông. Các cơ quan chức năng giải thích vòng vo cũng vô ích. Cứ mạnh tay, vi phạm thì tước bằng lái, giữ xe thì chẳng mấy chốc nhà xe cũng phải tự răn đe tài xế của mình và cũng chẳng dám để mất phương tiện kiếm tiền.
Xuề xòa với vi phạm giao thông là đồng nghĩa với hờ hững với mạng người đấy, thưa các ngài. Nạn nhân giao thông có thể là bất cứ ai, kể cả người thân của chúng tôi, của các ngài.
Bình luận (0)