Tại cuộc họp báo Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết số nợ của Vinashin hiện hơn 80.000 tỉ đồng.
Nhưng khi trả lời báo chí thì Tổng Giám đốc Vinashin Trần Quang Vũ lại cho rằng số nợ của tập đoàn này khoảng 90.000 tỉ đồng. Cho dù hai con số trên chưa chính xác tuyệt đối song chênh nhau tới 10.000 tỉ đồng thì quá lớn. Hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, môi trường, việc làm... của cả nước cũng chỉ được Nhà nước đầu tư thực tế chưa tới phân nửa số tiền này.
Càng giật mình hơn khi thấy số nợ mới nhất của Vinashin vượt quá xa số nợ gần 20.000 tỉ đồng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tháng 11 năm ngoái. Thật không thể tưởng tượng nổi là số nợ của Vinashin nhảy vọt tới hơn 4 lần chỉ sau có hơn 6 tháng!
Số nợ khổng lồ của Vinashin có thể nhìn thấy hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhiều vấn đề chưa được làm rõ của tập đoàn này. Việc Vinashin tham vọng quá lớn, vượt xa khả năng thực tế hay đầu tư dàn trải và không hiệu quả... đã thấy từ lâu. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức cảnh báo vì không có những số liệu, dẫn chứng cụ thể. Vinashin hoạt động, kinh doanh khép kín, trong khi khuôn khổ pháp lý để kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước với tập đoàn này lại rất lỏng lẻo.
Chính vì thế mà vẫn có những bao biện, thậm chí là lời lẽ lạc quan dành cho Vinashin. Vốn liếng, nguồn lực cũng vì vậy mà tiếp tục đổ vào “con tàu” Vinashin thủng lỗ chỗ vì nợ nần và làm ăn kém hiệu quả.
Là một doanh nghiệp Nhà nước, về nguyên tắc tài sản, vốn liếng của Vinashin là tài sản của toàn dân. Người dân có quyền biết và có quyền giám sát đối với Vinashin. Tập đoàn này phải có trách nhiệm công khai, minh bạch hoạt động của mình để người dân - những người chủ thực sự - được biết. Song thực tế hoàn toàn không phải như vậy cho đến khi số nợ giật mình được công bố cùng với việc tái cơ cấu Vinashin.
Tái cơ cấu có giúp Vinashin thoát khỏi khó khăn, trang trải được số nợ quá lớn? Thật không dễ để trả lời câu hỏi này và càng khó khăn hơn nếu tái cơ cấu không đi kèm với việc công khai, minh bạch hoạt động của tập đoàn này.
Bình luận (0)