Trong giai đoạn chuyển đổi này, chúng ta phải sống trong một bối cảnh xã hội mà những chuẩn mực, giá trị, đạo lý truyền thống đang ngày càng mất đi sức cưỡng chế của nó đối với suy nghĩ, hành vi, ứng xử trong khi những giá trị, chuẩn mực mới của xã hội hiện đại đang dần dần hình thành và chi phối suy nghĩ, hành động của chúng ta.
Trong bối cảnh xã hội như vậy, cái ác, cái xấu có vẻ như đang xuất hiện nhiều hơn do người ta dần dần không còn “ngán ngại” những nguyên tắc đạo lý truyền thống như trước nữa. Quả vậy, trong năm 2015, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện nhiều vụ thảm sát hàng loạt, như 2 vụ án gây chấn động ở Bình Phước và Nghệ An mà nạn nhân bi thảm lẫn kẻ thủ ác lạnh lùng đều có mối quan hệ gần gũi, thân quen với nhau.
Giết người hàng loạt không phải là một hiện tượng tội phạm mới mẻ nhưng có vẻ như nó đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong xã hội Việt Nam hôm nay. Và đâu đó là những lời cảnh báo về tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, số lượng hành vi tội phạm có giảm nhưng tính chất man rợ lại tăng lên.
Bên cạnh những hiện tượng tội phạm như đề cập ở trên, lòng tin giữa con người với con người trong xã hội hình như cũng đang xuống rất thấp, bởi nhìn đâu người ta cũng thấy có sự lừa dối và thiếu trung thực đến mức giờ đây, khi ăn bất cứ thực phẩm nào, người ta cũng đều nghi ngờ là liệu trong thức ăn đồ uống ấy có loại chất cấm nào không.
Thậm chí hiện nay, việc ai đó thực hiện một nghĩa cử đôi khi cũng bị xầm xì ngờ vực theo kiểu “không biết con người này có ý đồ gì không?”. Tất cả những hiện tượng này đều xuất phát từ chỗ con người ngày nay hình như đang cố thoát khỏi những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị truyền thống chi phối cách ứng xử của mình. Vậy phải chăng chúng ta đang ở trong một bối cảnh khó sống hoặc bi quan hơn, không đáng sống?
Rất may là bên cạnh những mảng tối ấy, xã hội chúng ta vẫn còn đó những “ngọn lửa thiện nhân”, những suy nghĩ và ứng xử đẹp, những việc làm tử tế, cho phép chúng ta tin rằng điều tốt đẹp vốn là bản chất và là khuynh hướng chủ đạo trong sự vận hành của xã hội rồi lại sẽ bừng sáng, chiếm thế thượng phong trong hệ thống giá trị hiện hữu, được biểu hiện qua nhân cách của con người, qua cách cư xử, giao tiếp, nâng đỡ và gắn kết với nhau trong đời sống.
Chúng ta luôn nhìn thấy trong đời sống thường nhật những hình ảnh thật dễ thương, từ các bình “trà đá miễn phí” giải cơn nóng bức cho người đi đường đến hành động mua giúp dưa hấu cho nông dân khi sản phẩm một nắng hai sương của họ phải chất đống vì thời tiết khắc nghiệt... Nhìn xa, đó không phải là điều gì căn cơ, to tát nhưng lại là một dấu chỉ lóe sáng về tình tương thân tương ái đậm đà trong xã hội.
Có người nói rằng “chúng ta có thể bị lừa dối nếu chúng ta tin tưởng quá nhiều nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta không có lòng tin”. Vâng, lòng tin vào cái thiện, cái tốt của con người là một nguồn vốn xã hội hết sức quan trọng để không những giúp cho đất nước ngày càng phát triển theo hướng nhân văn hơn mà còn làm cho cuộc sống của mỗi con người được thăng tiến hơn. Mà kiến tạo và củng cố lòng tin là điều hoàn toàn có cơ sở, bởi một lẽ rất hiển nhiên là cho dù cái ác, cái xấu có hoành hành đến cỡ nào đi chăng nữa thì cuối cùng cái thiện, cái tốt vẫn chiến thắng, vẫn là nét chủ đạo trong bức tranh đời sống muôn màu.
Mong rằng trong năm 2016 này, những hình ảnh đẹp, những nghĩa cử cao cả sẽ xuất hiện nhiều hơn, bắt rễ sâu hơn từ mỗi người trong chúng ta.
Bình luận (0)