Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ trả lời thẳng thắn: “... Trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến người làm việc ở các ủy ban làng đông lắm, và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.
Dự báo tham nhũng sẽ là một hiện tượng phổ biến, xuất hiện cùng một lúc với sự xuất hiện của bộ máy Nhà nước và tầng lớp cầm quyền, nếu chỉ kêu gọi đạo đức thôi thì không bao giờ giải quyết được vấn đề, phải kết hợp giáo dục đạo đức với trừng trị bằng pháp luật.
Đi đôi với giáo dục đạo đức, Người kịp thời ban hành pháp luật. Ngày 27-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26-1-1946, Người ký “quốc lệnh”, khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình.
Nhưng ban hành sắc lệnh dễ, tổ chức đưa nó vào cuộc sống, làm cho nó có hiệu lực trong thực tế, khó hơn nhiều. Người yêu cầu “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân... làm cho mọi công dân Việt Nam thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước”.
Chuyện thứ hai, trong kháng chiến chống Pháp, đại tá Trần Dụ Châu, vốn cũng là một người cách mạng, nhưng khi làm Cục trưởng Cục Quân nhu, đã lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất kham khổ, thiếu thốn của bộ đội ta để sống trác táng, phè phỡn, trụy lạc... Vụ án được khởi tố, đưa ra tòa án quân sự, y bị lĩnh án tử hình. Trần Dụ Châu và gia đình gởi đơn chống án lên Bác Hồ, xin được khoan hồng. Bác Hồ ví Trần Dụ Châu như loài sâu mọt đục khoét nhân dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo! Sau đó dù rất đau lòng, Bác Hồ đã ký, bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Bản án đã được thi hành.
Thời gian qua, tham nhũng không những chưa bị đẩy lùi mà còn có xu hướng phát triển. Vụ việc càng nghiêm trọng hơn, quy mô càng lớn hơn, chức vụ của tội phạm có xu hướng ngày càng cao hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.
Vào những ngày tháng 5 lịch sử, nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhắc lại hai sự việc trên để càng kính phục lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã kết hợp hài hòa giữa “đức trị” và “pháp trị”, giữ yên lòng dân, giữ nghiêm phép nước.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đại hội Đảng lần thứ X, với quyết tâm mới của toàn Đảng toàn dân, với công cụ pháp luật đã có là Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm lần đầu tiên được ban hành... chúng ta có quyền hy vọng rằng, tham nhũng sẽ bị đẩy lùi dẫu biết rằng đây là cuộc đấu tranh đầy cam go không tránh khỏi mất mát hy sinh.
Những sự kiện, lời dạy của Người đã hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự và rất đáng suy nghĩ.
Bình luận (0)