Trong chuyến đi của bà bộ trưởng đến các Bệnh viện Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1, ánh sáng truyền thông đã soi cận cảnh từng căn phòng ngột ngạt đầy ắp người bệnh với muôn màu số phận. Nó không chỉ phản ánh nỗi khổ của người bệnh cùng thân nhân họ mà cả sức chống chọi đáng nể của bệnh viện. Nó còn cho thấy ở đó những người bệnh giàu và nghèo, nước mắt và ưu tư, nỗi khắc khoải và khả năng chịu đựng kỳ lạ của con người… Áp lực ở các bệnh viện quá tải nặng nề đến nỗi có vị bác sĩ nổi tiếng ở TPHCM không ngần ngại gọi nơi đó là “địa ngục”!
Bệnh viện quá tải như căn bệnh trầm kha, sinh ra không biết bao nhiêu rào cản và tiêu cực mà người lần đầu tiên đặt chân đến bệnh viện cũng có thể nhận thấy ít nhiều. Từ việc thầy thuốc thăm khám chớp nhoáng, tệ nhận phong bì tràn lan bất kể người bệnh giàu nghèo, bác sĩ bị cuốn vào những ca mổ dịch vụ hấp dẫn (cả trong và ngoài bệnh viện), đến hình ảnh một bộ phận y sĩ, điều dưỡng với ánh mắt hiếm khi thiện cảm.
Nhưng đáng sợ nhất của tình trạng quá tải là bệnh viện không còn thời gian nghiên cứu để nâng tầm vóc, để biết rõ mình đang ở đâu trên bản đồ y tế khu vực và thế giới. Hiện nay, tình trạng quá tải phần lớn rơi vào những bệnh viện đa khoa Trung ương và chuyên khoa tuyến trên. Quỹ thời gian vốn không đủ cho nghiên cứu khoa học, nếu bệnh viện và bác sĩ sớm hài lòng với “thương hiệu” của mình thì khó tránh khỏi bị bỏ lại phía sau trên đường đua y học.
Theo một tài liệu của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí hơn 1 tỉ USD (con số chính xác có thể còn cao hơn). Lý do được chính người bệnh đưa ra là họ không tin vào tay nghề của bác sĩ trong nước. Họ không muốn mất quá nhiều thời gian để làm các chẩn đoán, xét nghiệm hay dịch vụ khác và tất nhiên, họ cũng không muốn điều trị trong điều kiện quá chật chội… Đây là một thực tế đáng suy nghĩ cho dù ngành y tế Việt Nam những năm qua đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu, điều trị.
Rõ ràng, không thể không bắt tay ngay vào cuộc “đại phẫu” khi có quá nhiều vấn đề tích tụ sau nhiều thập niên. Bên cạnh nhiệm vụ trước mắt là xây dựng thêm các bệnh viện, đặc biệt là những vệ tinh của các “thương hiệu” nổi tiếng, cần tái lập hệ thống y tế theo hình tháp (chứ không phải tháp ngược như hiện nay), đầu tư mạnh cho tuyến cơ sở cả về nhân lực, thiết bị y tế và công nghệ thông tin. Khi người bệnh ở tuyến dưới tin vào tay nghề các bác sĩ và phương tiện điều trị ở đó thì bài toán quá tải sẽ trở nên dễ giải quyết hơn.
Xây dựng thêm bệnh viện, trang bị máy móc mới, áp dụng công nghệ thông tin không quá khó. Cái khó nhất là đào tạo được một đội ngũ bác sĩ giỏi nghề và sẵn sàng cống hiến. Đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Bình luận (0)