Trong đó, các lĩnh vực có quan hệ hữu cơ với nhau, chất lượng cao, cân bằng lợi ích giữa hai bên.
Triển vọng cho Việt Nam là rất rõ ràng, thể hiện ở dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào EU trung bình 5,21%-8,17%/năm giai đoạn 2020-2023; 11,12%-15,27%/năm giai đoạn 2024-2028 và 17,98%-21,95%/năm từ 2029-2033.
EVFTA và EVIPA với những cam kết mở cửa thị trường, mua sắm của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư EU tranh thủ cơ hội mới tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập tăng ở tốc độ khá để khởi động nhiều dự án quy mô lớn về công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, robot, xây dựng TP thông minh, điện tái tạo. Không gian kinh tế được mở rộng tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ đó dự báo xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI tại Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, cần tỉnh táo nhận thấy rằng EVFTA và EVIPA đặt ra những vấn đề mới mà nếu không có giải pháp đúng đắn sẽ trở thành thách thức lớn.
Chẳng hạn, năng lực của DN sản xuất hàng xuất khẩu nước ta không thể tăng tương ứng với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình nêu trên, nên một phần tăng xuất khẩu sang thị trường EU được dịch chuyển từ thị trường khác. Như vậy, lợi ích khai thác được từ ưu đãi thuế quan không lớn như kỳ vọng. Mặt khác, các rào cản kỹ thuật như "thẻ vàng", nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá... từ EU cũng đòi hỏi DN Việt phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm, chất lượng.
Ở thị trường nội địa, hàng hóa của EU với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của DN Việt sẽ tràn vào. DN nào đổi mới công nghệ, mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.
Đối với đầu tư, khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực đối với việc thực thi thể chế, luật pháp. Đặc biệt, các vấn đề chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội, làm thêm giờ)... là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư EU.
Hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) gia tăng sẽ vừa tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư của Việt Nam đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh với DN trong nước. Nếu không nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các DN theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm thì DN sẽ thua trên sân nhà.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến một số ngành kinh tế, việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam để vượt qua khó khăn ngắn hạn và cải cách, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong dài hạn theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Bình luận (0)