Cụ thể đã phát hiện 1.728 vụ việc tham nhũng với giá trị tài sản tham nhũng hơn 1.607 tỉ đồng, 24.527 ha đất. Qua xử lý đã thu hồi được hơn 66 tỉ đồng và 4.870 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 407 người, xử lý hình sự 260 người.
Tuy nhiên, điều bất thường đáng nói là có đến 22 bộ, ngành, 40 tỉnh, thành báo cáo không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở đơn vị mình (!). Phải chăng nạn tham nhũng ở những nơi này đã được quét sạch hay họ đã báo cáo không trung thực? Quả là khó tin vì tình trạng tham nhũng đang diễn ra tràn lan, hầu như cấp nào, ngành nào, địa phương nào cũng có.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn là những thách thức lớn, gây bất bình trong xã hội...”. Bởi vậy việc 22 bộ, ngành và 40 tỉnh, thành báo cáo không phát hiện vụ tham nhũng nào khiến người ta liên tưởng đến tình trạng khá phổ biến lâu nay: Chống tham nhũng ở đâu chớ không chống tham nhũng ở đơn vị mình. Và nếu có xảy ra vụ tham nhũng nào thì cố gói ghém, bao che cho nhau theo kiểu “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ”.
Thực tế cũng đã cho thấy các vụ tham nhũng vừa qua, kể cả các vụ nghiêm trọng như tiêu cực ở PMU18, xà xẻo đất công ở Đồ Sơn (Hải Phòng)... đều do dân, báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật phanh phui. Hiếm thấy có vụ tham nhũng nào do chính bộ, ngành chủ quản và địa phương phát hiện!
Luật pháp Nhà nước, Nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng đã có. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã bắt đầu hoạt động. Một vài vụ việc tham nhũng nhạy cảm dính líu tới cán bộ cấp cao đã được xử lý theo tinh thần mới, bước đầu tạo được sự tin tưởng đối với nhân dân. Thế nhưng, sự chuyển động bước đầu chưa thể xoay chuyển được tình thế, nếu như toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở không đấu tranh quyết liệt với nạn tham nhũng. Dư luận đề nghị Chính phủ công khai danh sách các bộ, ngành, tỉnh, thành trên để CB-CNVC, người dân ở các đơn vị đó kiểm tra, phán xét.
Bình luận (0)