Tổng thống Obama chính thức lên tiếng về vấn nạn dầu tràn giữa lúc người dân Mỹ không đồng tình với cách mà ông giải quyết cuộc khủng hoảng- một thảm họa môi trường tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông hứa đòi Tập đoàn Dầu khí BP bồi thường thỏa đáng mọi thiệt hại do họ gây ra. Ông cho biết sẽ gặp các giám đốc của BP tại Nhà Trắng (dự kiến ngày 16-6) và đề nghị họ phải lập một quỹ đền bù cho những người bị ảnh hưởng bởi dầu tràn. Ông đề nghị quỹ này do bên thứ ba điều hành thay vì để cho BP kiểm soát.
Ông Obama ví vụ dầu tràn như một bệnh dịch và thậm chí, một ngày trước đó, khi trả lời phỏng vấn website Politico, ông đánh đồng nó với sự kiện khủng bố 11-9. Ông cam kết sẽ chiến đấu với thảm họa dầu tràn bằng mọi phương tiện trong tay và không quên nhắc lại rằng “BP phải bồi thường tất cả”.
Trong khi đó, theo đài BBC, có nhiều khả năng Tập đoàn BP sẽ phải chịu áp lực của Mỹ ngưng chia cổ tức cho cổ đông, khoảng 1,8 tỉ bảng Anh mỗi quý.
Có tin các giám đốc điều hành công ty đã họp để thảo luận khả năng này. Tại Mỹ, các thượng nghị sĩ đề nghị BP dành ra 20 tỉ USD để bồi thường thiệt hại và trang trải chi phí dọn sạch môi trường. Theo các nhà phân tích, BP có thể có đủ nguồn lực đáp ứng ngay cả khi các khoản chi phí vượt trên 20 tỉ bảng Anh. Ông Carl-Henric Svanber, Chủ tịch Tập đoàn BP, nói với Thủ tướng Cameron rằng BP sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn dầu tràn, làm sạch môi trường và đáp ứng các yêu cầu bồi thường hợp pháp.
Sau sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20-4 làm 11 công nhân thiệt mạng, BP đã nỗ lực ngăn chặn dầu tràn trên diện tích hàng chục triệu mét vuông mặt nước biển cho đến đầu tháng 6 thì bịt được ống dầu rò rỉ. Các nhà khoa học ước tính trước đó, mỗi ngày dầu tràn từ 5 đến 9 triệu lít.
Qua những thông tin trên đây, có thể nói sự cố dầu tràn ở Vịnh Mexico đã trở thành mối quan tâm đặc biệt ở Mỹ, từ tổng thống, các chính khách, các nhà hoạt động môi trường cho đến người dân. Tất cả đã tạo ra sức mạnh chỉ trích, kêu đòi bảo vệ môi trường. Ngay cả các nhà lãnh đạo BP, đối tượng bị chỉ trích, cũng cho thấy họ không chối bỏ trách nhiệm, biết cầu thị và lắng nghe với tư cách một tập đoàn nổi tiếng. Họ tôn trọng pháp luật và phản ứng theo cách chuyên nghiệp.
Còn Vedan ở Việt Nam thì sao? Với những gì đã xảy ra từ khi bị phát hiện là thủ phạm “bức tử” sông Thị Vải cho đến hành động “cù cưa” chuyện bồi thường mới đây, cách hành xử của công ty này thật lạ lùng. Từ chỗ không tôn trọng pháp luật nước sở tại, họ còn tỏ ra xem thường dư luận. Với cách hành xử như vậy, những người lãnh đạo Vedan đã tự bôi đen thương hiệu của mình.
Có sự khác biệt khi nhìn vào thảm họa dầu tràn ở Vịnh Mexico và vụ đầu độc sông Thị Vải. Trước hết, đó là sự ra tay quyết liệt của chính quyền, càng cao cấp càng tốt, với ý thức vì dân và thượng tôn pháp luật. Và sau đó là văn hóa ứng xử của doanh nghiệp.
Bình luận (0)