Hai chuyện tưởng như nghịch lý nhưng đã phản ánh sự bất cập trong điều hành một trường ĐH công lập. Một mặt, trường này vẫn nhận tiền ngân sách cho đào tạo; mặt khác, họ nhận thấy ngay chuyện kinh doanh trong giáo dục là siêu lợi nhuận.
Với những khoản thu rất lớn từ các trung tâm liên kết đào tạo (LKĐT), lãnh đạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đã thể hiện khả năng “tổ chức” của mình rất giỏi. Song, vì sao họ không đem khả năng đó phục vụ SV hệ chính quy mà lại để hơn 200 tỉ đồng của Nhà nước cấp xây dựng cơ sở vật chất cho trường nằm trong kho bạc?
Ban Giám hiệu Trường ĐH Ngân hàng TPHCM khẳng định việc thành lập các trung tâm LKĐT là đúng pháp luật và được Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy nhiên, thành lập các trung tâm LKĐT như vậy nhằm mục đích gì? Đơn giản chỉ vì lợi nhuận, không thể khác.
Không thể trả lời câu hỏi đó theo bài bản “để đáp ứng yêu cầu được học của xã hội”! Vậy lợi nhuận đó để làm giàu cho cán bộ quản lý hay đầu tư trở lại phục vụ hàng ngàn SV hệ chính quy đang học trong điều kiện vất vưởng, tạm bợ ở nhiều nơi? Không có chuyện ấy, vì lợi nhuận đó không phải là phúc lợi của SV.
Chuyện này làm chúng ta nhớ đến nguyên tắc “không lợi nhuận” ở các trường ĐH công lập. Ngay cả nhiều trường ĐH tư thục ở các nước trên thế giới cũng hoạt động theo nguyên tắc này, hoặc với nguyên tắc chia lợi nhuận hạn chế cho các cổ đông, còn lại đầu tư cho trường, cho SV.
Không đâu xa, Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS) là một viện - trường tư thục nhưng lợi nhuận của nó cũng được coi là phúc lợi của SV. Tháng 3-2009, khi khởi công xây dựng một ký túc xá khang trang, lãnh đạo MDIS tuyên bố: “Ký túc xá này được xây dựng bằng lợi nhuận của viện. Lợi nhuận đó như là phúc lợi mà SV MDIS phải được thụ hưởng”.
Còn ở Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, SV chắc chắn không được hưởng; CBCNV - giảng viên cũng không được hưởng công bằng.
Chuyện của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho thấy vấn đề quản lý các trường ĐH công lập vẫn còn bất cập, có những mảng mờ, vô hình trung biến ĐH công lập thành những cỗ máy hái ra tiền, làm giàu cho một số người.
Không chỉ Trường ĐH Ngân hàng TPHCM mà nhiều trường ĐH công lập khác cũng thành lập trung tâm LKĐT và được phép.
Đây là vấn đề mà Bộ GD-ĐT hẳn đã thấy từ lâu nhưng việc quản lý vẫn còn lúng túng. Nếu không có cách quản lý, chấn chỉnh, những hoạt động như vậy sẽ góp phần đưa hệ thống ĐH, CĐ công lập chạy theo xu hướng vì lợi nhuận.
Bình luận (0)