Hội nghị được tổ chức không chỉ bởi mục đích tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn là cầu nối vốn tín dụng cho DN.
Qua đối thoại, các ngân hàng thương mại nắm bắt, hiểu được khó khăn của DN; trong khi bản thân DN cũng được thông tin thêm về quy trình cấp tín dụng, giải ngân... để cùng nhau tháo gỡ. Ngân hàng thương mại là DN trong lĩnh vực đặc thù nên cần tìm khách hàng để cho vay, bảo đảm hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm - dịch vụ của ngân hàng rất khác biệt so với sản phẩm thông thường vì phải tuân thủ nguyên tắc hoàn trả gốc và lãi, sử dụng vốn đúng mục đích. Do đó, ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận nhưng cũng phải cân nhắc rủi ro.
Xuất khẩu là một trong những lĩnh vực được ưu đãi về chính sách tín dụng, được tạo điều kiện về vốn và lãi suất. Đây cũng là lĩnh vực thuộc chương trình ưu đãi tín dụng cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực - gồm DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao.
Tại TP HCM, tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VNĐ đối với DN xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2024 là hơn 105.000 tỉ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực nêu trên. Các ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn không quá 4%/năm, tạo điều kiện cho DN mở rộng và tăng trưởng sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên quy mô cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ xấp xỉ 300 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. DN xuất khẩu không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm, cải thiện cán cân thanh toán, giúp xuất siêu, góp phần tăng cung ngoại tệ và ổn định tỉ giá, mà còn thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh này, nếu được trợ lực từ dòng vốn tín dụng chảy mạnh, DN xuất khẩu sẽ có thêm nguồn lực để phát triển bền vững, đóng góp vào tăng trưởng chung.
Trở lại chuyện đối thoại - kết nối, đây là bước đầu tiên để ngân hàng và DN gặp nhau. Để giải ngân vốn tín dụng nhanh chóng với hạn mức cao lại đòi hỏi phương án kinh doanh khả thi cộng với uy tín, năng lực tài chính hiện hành và một phần hoặc toàn phần tài sản bảo đảm của DN.
Bởi lẽ, ngân hàng là đơn vị kinh doanh nên sẽ phải thẩm định tín dụng, đánh giá về lợi nhuận, tỉ suất sinh lời và cân nhắc cả rủi ro xảy ra. Nếu DN có nhu cầu vay vốn mà không minh bạch tài chính, thiếu phương án rõ ràng lại muốn bổ sung vốn lưu động, mở thư tín dụng (L/C) nhập khẩu hàng nhưng chưa chứng minh nguồn thu về việc trả lãi vay thì rất khó để được giải ngân.
Để dòng vốn tín dụng lan tỏa mạnh mẽ đến DN xuất khẩu nói riêng và DN các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nói chung, những tháng cuối năm 2024, không chỉ ngành ngân hàng nỗ lực đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp mà còn cần nhiều giải pháp khác, như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công...
Bình luận (0)