xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cây đào đổi thay cả vùng đất khó

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

"Những năm 2010, cây đào phai bắt đầu được người dân chơi Tết ưa chuộng

Từ khi nghề trồng đào Tết "bén duyên" với vùng đất Xuân Du ở Thanh Hóa, cả ngàn hộ dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, trong đó nhiều gia đình đã trở thành tỉ phú.

Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, cả xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa trở nên nhộn nhịp khi thương lái khắp nơi đổ về đây "săn" đào đưa đi tứ xứ tiêu thụ. Khoảng 10 năm nay, Xuân Du trở thành một trong những vựa đào lớn nhất miền Bắc.

Như một cơ duyên

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hồ Nhữ Chiến (SN 1981, ngụ xã Xuân Du) - một trong những hộ có diện tích trồng đào lớn tại địa phương. Vườn đào của gia đình ông nằm bên dưới dãy núi Nưa (còn gọi là Na Sơn) đã được tuốt sạch lá. Trên cành, những nụ hoa đang chúm chím chờ ngày bung nở.

Ông Chiến kể rằng ngày trước, vùng đất quanh dãy Na Sơn vốn cằn cỗi vì pha trộn rất nhiều đá. Nơi đây được xem như vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", chỉ có thể trồng được cây mía. Dù cây mía được trồng nhiều nhưng người dân cũng chỉ đủ ăn bởi giá cả bấp bênh. Có năm, cả xã thu hoạch mía chất thành đống nhiều ngày nhưng nhà máy đường không tới thu mua.

Ông Hồ Nhữ Chiến giữa vườn đào của gia đình

Ông Hồ Nhữ Chiến giữa vườn đào của gia đình

Trong lúc người dân Xuân Du đang loay hoay tìm hướng đi mới thì cây đào phai - một giống đào rừng sống trên núi Nưa - xuất hiện như một cơ duyên. "Những năm 2010, cây đào phai bắt đầu được người dân chơi Tết ưa chuộng. Khi nhiều hộ gia đình trong xã trồng đào thắng lớn, gia đình tôi quyết định bỏ cây mía để chuyển sang trồng đào phai. Kể từ đó, nghề trồng đào đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân trong xã" - ông Chiến nhớ lại.

Hơn 14 năm gắn bó với đào, ông Chiến thừa nhận nếu không có loài cây này, cuộc sống của gia đình ông sẽ không được như bây giờ. Ông nhẩm tính trong vài năm trở lại đây, gia đình năm nào cũng thu về hàng trăm triệu đồng từ cây đào. Hiện gia đình ông có khoảng 3.000 gốc đào phai. Dịp Tết này, gia đình ông dự kiến xuất bán khoảng hơn 1.000 gốc. "Giá đào năm nay đắt hơn mọi năm, gia đình tôi có thể thu về trên 500 triệu đồng" - ông tin tưởng.

Tương tự gia đình ông Chiến, hàng trăm hộ dân xã Xuân Du khi thấy cây đào có hiệu quả cũng đã mạnh dạn phá bỏ cây mía. Thậm chí, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả cũng được người dân chuyển qua trồng đào. Từ một vài hộ tiên phong, tới nay Xuân Du có tới 1.200/1.700 hộ dân trồng đào. Với tổng diện tích khoảng 280 ha, xã này trở thành vựa đào phai lớn nhất Thanh Hóa, được người tiêu dùng và thương lái khắp nơi tìm về "săn" đào chơi Tết.

Không khí Tết tràn ngập

Hộ anh Nguyễn Văn Hiếu là một trong những nhà vườn có tiếng ở địa phương, được giới buôn bán hoa kiểng Tết xa gần biết tới. Năm nay, dù còn khoảng 1 tháng nữa mới tới Tết nhưng vườn đào thế của gia đình anh đã có khách tới đặt mua hết. Dự kiến trừ chi phí, anh có thể kiếm được khoảng 900 triệu đồng.

Trước khi trở thành ông chủ của hơn 2 ha đào thế cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm, anh Hiếu từng bôn ba với đủ thứ nghề - khi thì làm công nhân vận hành máy, lúc thì đi buôn. Nhưng rồi, trong những lần về quê, anh nhận ra thay vì đi buôn, tại sao không tự trồng đào để bán sẽ có thu nhập cao, ổn định hơn?

Nghĩ là làm, anh Hiếu về quê thuê lại 2 ha đất lúa để khởi nghiệp bằng nghề trồng đào. Khác với đa số hộ gia đình ở Xuân Du thường trồng đào phai bằng cách gieo hạt hoặc trồng từ cành chiết, anh chọn cách trồng đào ghép trên gốc đào cổ thụ.

Anh Nguyễn Văn Hiếu chú trọng đến đào thế, đào ghép

Anh Nguyễn Văn Hiếu chú trọng đến đào thế, đào ghép

"Qua nhiều năm đi buôn đào, tôi nhận thấy các giống đào ghép cổ thụ từ Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng… khi bán ra thị trường giá trị rất lớn, gấp nhiều lần so với trồng đào phai nên tôi quyết định chọn trồng đào ghép. Đào ghép thường ghép từ các giống đến từ Nhật Tân, Sơn La, Hải Phòng… Ngoài ra, tôi còn ghép đào Quảng Chính - một loại đào nhiều cánh ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa - với đào phai bản địa" - anh Hiếu tiết lộ.

Sau 5 năm khởi nghiệp, anh Hiếu đã biến một vùng đất kém hiệu quả thành vườn đào thế có tiếng, mỗi năm mang về thu nhập từ 500 triệu đồng tới gần 1 tỉ đồng. "Cây đào đã thực sự làm thay đổi cuộc đời tôi. Nếu không có cây đào, gia đình tôi không có nhà cửa khang trang, nguồn thu nhập ổn định như bây giờ" - anh tâm sự.

Theo anh Hiếu, trồng đào ghép chỉ cần 1 năm là có sản phẩm bán ra thị trường nhưng cũng có nhiều rủi ro. Bởi lẽ, đào thế toàn dùng những gốc cây lớn, có giá trị, nếu kinh nghiệm chăm sóc không tốt, cây chết thì có thể mất cả trăm triệu đồng.

Hiếu kể lúc đầu mới trồng, anh đã phải mất nhiều "học phí". Anh phải đến những vùng trồng đào trong tỉnh như Quảng Chính (Quảng Xương), Hợp Lý (Triệu Sơn) hay những vựa đào nổi tiếng tại Sơn La, Hà Nội, Nam Định... để học từ kỹ thuật trồng, chăm sóc đến ghép cây. Nhờ đó, anh có thêm kinh nghiệm, đồng thời nắm bắt được thị trường để cho ra đời những sản phẩm đẹp, có giá trị.

Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, cây đào đã làm thay đổi cả một vùng đất. Xuân Du từ một xã nghèo đã trở thành một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa. Mỗi năm, nghề trồng đào mang về cho người dân địa phương 40 - 60 tỉ đồng.

"Năm 2024, thu nhập từ đào của xã đạt gần 60 tỉ đồng, số hộ gia đình thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên chiếm khoảng 10%; từ 100 triệu đồng/năm chiếm khoảng 60%. Ngoài ra, nghề trồng đào còn tạo cơ hội cho người dân kiếm thêm thu nhập từ các dịch vụ như: vận chuyển cây, tuốt lá, ghép cành, ăn uống, ngủ nghỉ… Vì vậy, những tháng cuối năm, không khí Tết lúc nào cũng tràn ngập khắp các cánh đồng, đường làng, ngõ xóm. Gia đình nào cũng có cái Tết no ấm, đủ đầy nhờ cây đào" - ông Sơn phấn khởi. 

Nghiệp đoàn trồng đào đầu tiên ra đời

Để xây dựng thương hiệu đào Xuân Du cũng như tương trợ nhau cùng phát triển, làm giàu, tháng 10-2024, lần đầu tiên, Nghiệp đoàn Trồng đào Xuân Du được hình thành với 104 thành viên. Đây là nghiệp đoàn trồng đào đầu tiên ở Thanh Hóa.

Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, nghiệp đoàn hình thành để liên kết, hỗ trợ giống, kỹ thuật..., giúp người dân cùng vươn lên làm giàu. Nghiệp đoàn ra đời còn nhằm bảo vệ quyền lợi giữa các hộ trồng đào tại địa phương, góp phần xây dựng nghề trồng đào phát triển theo hướng bền vững.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo